Quốc hội thảo luận về dự án Luật đô thị

Chiều 30/5, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Hà Văn Hiền đọc báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật đô thị đã được chỉnh lý và đề nghị giữ nguyên tên gọi như đã trình là Luật quy hoạch đô thị.

Chiều 30/5, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Hà Văn Hiền đọc báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật đô thị đã được chỉnh lý và đề nghị giữ nguyên tên gọi như đã trình là Luật quy hoạch đô thị.

Các đại biểu đều nhất trí việc cần thiết phải ban hành Luật quy hoạch đô thị nhằm khắc phục những vấn đề bức xúc của đô thị Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển “nóng” và khá “lộn xộn”; lối tư duy quản lý đô thị theo “nhiệm kỳ” đã gây nên nhiều bất cập, phản khoa học không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, các đại biểu cũng nhất trí rằng việc ban hành luật này sẽ khắc phục những vấn đề gây ách tắc trong việc tiến tới quy chuẩn của đô thị văn minh; những mục tiêu cải thiện môi trường dân sinh, môi trường văn hóa và chất lượng sống của cư dân đô thị luôn bị phá vỡ do thiếu nhất quán giữa quy hoạch và quản lý.

Có cần Kiến trúc sư trưởng cho đô thị loại đặc biệt?

Có hai dòng ý kiến về vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng kiến trúc và Kiến trúc sư trưởng. Theo dự thảo luật, Hội đồng kiến trúc và Kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, tham mưu được thành lập theo quy định của Chính phủ với yêu cầu quản lý và phát triển của từng địa phương trong thời kỳ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, tỉnh Gia Lai cho rằng quy định này chung chung quá, đề nghị làm rõ vai trò tư vấn và tham mưu; vậy tham mưu cho ai? Các sở chuyên ngành cũng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, vậy Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ nghe ai và ai chịu trách nhiệm về tham mưu?

Đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ pháp nhân của Kiến trúc sư trưởng, làm sao không chống chéo với chức năng Hội đồng kiến trúc. Trước đây (từ năm 1992 - 2001), pháp nhân Kiến trúc sư trưởng đã từng thành lập ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có bộ máy giúp việc lên đến 40 - 50 người, nhưng cũng bộc lộ bất cập, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Kiến trúc sư trưởng khi đó có thẩm quyền quá lớn nhưng không đủ khả năng giải quyết các yêu cầu phát triển của thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí  Minh - một trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước. Vì vậy, Kiến trúc sư trưởng đã biến thành trở ngại cho việc phát triển đô thị, quản lý quy hoạch đô thị, nhất là việc xin cấp phép xây dựng.

Còn đại biểu Trần Văn Nhã, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng Hội đồng kiến trúc và Kiến trúc sư trưởng khi đã quy định như dự thảo, có nên đưa vào luật này không? và đại biểu này đề nghị bỏ điều quy định về Hội đồng kiến trúc và Kiến trúc sư trưởng.

Cùng quan điểm với đại biểu Nhã, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, thủ đô Hà Nội góp ý, nên quy định cấp Trung ương có Viện quy hoạch, cấp tỉnh có sở xây dựng và Hội đồng kiến trúc là phù hợp; nếu quy định có Kiến trúc sư trưởng thì căn cứ vào luật “sẽ phải tìm cho ra một kiến trúc sư trưởng” nếu vị Kiến trúc sư trưởng này có năng lực hạn chế thì quyết định chủ quan của họ sẽ để lại hậu quả bất cập rất lâu dài, bà Khánh nhấn mạnh.

Trái với các ý kiến trên, các đại biểu Phạm Thị Phương Thảo, Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Tiến, tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Thị Khá, tỉnh Trà Vinh lại cho rằng cần phải có Hội đồng kiến trúc và Kiến trúc sư trưởng, nhưng cần tìm cho được người đủ năng lực để gánh trọng trách này và Hội đồng kiến trúc có vai trò tham mưu, giúp việc cho Kiến trúc sư trưởng, tất nhiên là việc xác lập tổ chức và pháp nhân này tùy thuộc vào từng giai đoạn như trong dự thảo luật.

Quy hoạch đô thị theo tiêu chí nào?

Đại biểu Phạm Phương Thảo, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cách phân loại đô thị như trong dự thảo luật là chưa hợp lý, hình như khuyến khích mật độ dân cư; trong khi đó quy hoạch đô thị cần phải quy định về những giá trị văn hóa, lịch sử và môi trường.

Theo bà Thảo, điều kiện lập quy hoạch còn quá cứng nhắc, nếu 5 năm rà soát lại quy hoạch thì bất cập, cần phải điều chỉnh phù hợp với tầm nhìn lâu dài. Quy hoạch một thành phố như kiến tạo nên một tác phẩm, có màu sắc, có tư tưởng và triết lý riêng. Làm thế nào để mỗi đô thị là một bầu trời của ước mơ và sáng tạo, hàng trăm năm sau bản sắc riêng của đô thị vẫn không phai nhòa, như thủ đô Washington (Mỹ), như thành phố St. Petersburg (Liên bang Nga).

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, thủ đô Hà Nội đề nghị phần giải thích về đô thị phải bổ sung khái niệm “đô thị cổ” hoặc “đô thị di sản” và trong các hành vi bị cấm cần bổ sung “cấm cấp phép xây dựng trái với quy hoạch đã được phê duyệt”. Thời hạn và tầm nhìn quy hoạch phải tăng lên, vị dụ như quy hoạch đô thị trực thuộc trung ương phải có thời hạn từ 50 năm và tầm nhìn 100 năm.

Đại biểu Lê Doãn Hợp, tỉnh Hưng Yên cho rằng cần khắc phục ngay về quy hoạch thiếu đồng bộ đang diễn ra phổ biến hiện nay. Phố cổ (Hà Nội) ít ngập lụt là do người Pháp nhìn xa trông rộng, phố mới ngập sâu (khi mưa xuống) là do xác định cốt không phù hợp. Cho xây nhiều nhà cao tầng trong phố cũ, phố cổ là bất cập, mật độ dân quá lớn, ách tắc giao thông, nhà cao tầng đến đâu phải gắn với hạ tầng tương ứng. Đại biểu Hợp chọn phương án giao cho Ủy ban nhân dân thành phố lập quy hoạch, Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết có 10 nhóm vấn đề cần chỉnh sửa như các quy định phân loại đô thị, cân nhắc thêm tiêu chí nào, định lượng từng tiêu chí; Hội đồng kiến trúc và Kiến trúc sư trưởng còn có ý kiến khác nhau, tinh thần của luật là không bắt buộc và không cấm việc thành lập tổ chức và pháp nhân này, có cơ chế giao cho Chính phủ quy định chứ không phải là một thiết chế hành chính; các vấn đề về thẩm quyền quy hoạch đô loại thị đặc biệt; việc phân loại quy hoạch và quy hoạch phân khu có ý kiến khác nhau.

Ông Kiên cũng nhấn mạnh bên cạnh đó còn có việc xem xét thêm quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai cho rõ ràng; thời hạn quy hoạch và tầm nhìn dài hơn quy định trong dự thảo luật và rà soát lại một số điều cho thống nhất; về chức năng thẩm định đồ án quy hoạch còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Ngoài ra còn có việc lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến công khai để quy hoạch phải đủ thời gian, đối tượng cần thiết; nguyên tắc quy hoạch đô thị phải bảo đảm bản sắc…có khuyến khích xây dựng nhà riêng, tiết kiệm đất...sẽ chỉnh sửa; cần chú ý tính cụ thể của luật, kinh phí quy hoạch, quy hoạch công trình ngầm…sẽ được ban soạn thảo bổ sung để trình dự thảo luật này ra kỳ họp sau của Quốc hội với chất lượng tốt nhất.

Theo dự kiến, ngày thứ hai (1/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục