Quốc hội thảo luận về dự án Luật Viễn thông

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Viễn thông, sáng 17/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới vấn đề lập và quản lý Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và về quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Viễn thông, sáng 17/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới vấn đề lập và quản lý Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và về quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.

Một số đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải lập Quỹ Viễn thông công ích trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, tiếp nhận đóng góp tài chính của các doanh nghiệp viễn thông và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh ở các tỉnh, thành phố đông dân cư mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng đối với vùng sâu,vùng xa cần có quỹ để hỗ trợ để phát triển dịch vụ viễn thông, đáp ứng nhu cầu người dân. Tuy nhiên theo ông, việc quản lý quỹ nên theo Luật Ngân sách do Bộ Tài chính quản lý, Bộ Thông tin Truyền thông chỉ quản lý về mặt chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị không nên lập ra Quỹ này vì nếu cần đầu tư vào các vùng khó khăn, đối tượng chính sách tại nông thôn, miền núi, hải đảo, Nhà nước sẽ thực hiện và lấy nguồn kinh phí từ ngân sách.

Đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích đã có từ năm 2004 hoạt động có hiệu quả nhưng quy định chưa rõ ràng. Cơ chế hình thành quỹ bằng hình thức đóng góp tài chính của doanh nghiệp viễn thông, giao cho Bộ Thông tin Truyền thông quản lý để chi tiêu theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định cụ thể mức đóng góp, ai sẽ giám sát việc sử dụng quỹ này.

Đại biểu Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình) cũng cho rằng không nên có loại quỹ này, bởi dự thảo Luật chưa quy định chặt mức thu, chi, quản lý quỹ như thế nào, nên chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch và sự cạnh tranh công bằng. Việc hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, nhà nước sẽ sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách.

Về quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các đại biểu thống nhất cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phải có văn bản chỉ đạo tăng cường sự phối hợp liên Bộ, ngành và chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các địa phương đối với việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trên phạm vi cả nước, từ khâu quy hoạch các khu đô thị, thiết kế và thẩm định thiết kế các công trình xây dựng tại các địa phương đến việc tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông được quy định trong dự thảo khó khả thi, Ban soạn thảo cần làm rõ hơn chính sách đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, đồng thời phải cam kết cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) nêu thực trạng hiện Việt Nam có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đường vừa làm xong lại phá để đưa cáp viễn thông vào. Tình trạng này phổ biến ở nhiều nơi, nhất là đô thị. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem lại quy định về quyền của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh cũng lưu ý: "Hiện nay dịch vụ Internet phát triển mạnh, nhiều blog có nội dung xấu, nhiều cá nhân, tổ chức tham gia lập blog riêng đưa vào những hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của giới trẻ. Vậy Luật có điều chỉnh hành vi này không?. Việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông cần quản lý tốt và phải có chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh, đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam".

Về cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất rằng không nên lập một cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Chính phủ cũng như cơ quan thanh tra riêng mà để các cơ quan này nằm trong quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục