Quốc hội thảo luận về nhiệm vụ kinh tế-xã hội

Ngày 28/10, Phiên thảo luận tại hội trường về nhiệm vụ kinh tế-xã hội 2009; kế hoạch phát triển 2010 thu hút sự quan tâm của cử tri.
Ngày 28/10, Phiên thảo luận tại hội trường của các đại biểu Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 đã được tường thuật trực tiếp qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.

Phiên họp này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

Quan tâm hơn nữa đến vấn đề an sinh xã hội

Nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu lên được những ý kiến của cử tri cả nước đối với các vấn đề kinh tế xã hội của đất nước. Chính phủ đã có những phương pháp hay, cách làm phù hợp để điều hành nền kinh tế-xã hội đặc biệt là trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như trong thời gian qua.

Việc thực hiện các gói kích cầu bước đầu đã phát huy tác dụng, nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã thoát ra được khó khăn, nông dân đã mở rộng được sản xuất, đời sống nhân dân đã được quan tâm hơn.

Gói kích thích nền kinh tế nhằm bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy tác dụng rất lớn. Cử tri đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa đến vấn đề an sinh xã hội.

Có cử tri băn khoăn đến việc nhiều công trình xây dựng cơ bản tại các địa phương triển khai quá chậm, không những làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân mà còn làm thiệt hại cho Nhà nước, đồng thời cho rằng trong bản báo cáo của Chính phủ nhiều chỉ tiêu, nhiều con số còn thiếu thực thế so với đời sống của người dân.

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng phá rừng và hủy hoại môi trường

Có cử tri cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế của thế giới và các nước trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tuy nhiên với việc điều hành khá linh hoạt của Chính phủ, những khó khăn chung của Việt Nam đã được giảm bớt một phần.

Các gói kích cầu của Chính phủ nhờ được tung ra đúng thời điểm, đúng đối tượng đã phần nào kiềm chế được tình hình lạm phát, kiềm chế được giá cả, cũng chính vì thế mà đời sống của người dân được ổn định hơn trong thời điểm khó khăn vừa qua.

Cử tri cũng đề nghị các bộ, ngành địa phương cần nhanh chóng và quyết liệt trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng và hủy hoại môi trường, đồng thời cho rằng không nên tập trung xây dựng nhiều công trình thủy điện tại các tỉnh miền trung, vì đây là dải đất hẹp, độ dốc của các sông suối lớn, lại gần biển, do đó việc ngăn sông làm thủy điện sẽ không những làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường mà còn làm tình hình lũ lụt ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đầu tư khai thác tiềm năng nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Cử tri thành phố Cần Thơ bày tỏ phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và các bộ ngành; đánh giá rất cao các chương trình kích cầu cho nông dân, xóa đói giảm nghèo, lao động việc làm… góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Quan tâm đến phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, cử tri Ngô Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ thống nhất cao với 5 nhóm giải pháp quan trọng mà Chính phủ đề ra, đặc biệt là biệt nhóm nhiệm vụ giải pháp ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó có nông dân Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cử tri mong muốn Chính phủ và bộ, ngành có chính sách phát triển “Tam nông” cho Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục đầu tư khai thác tiềm năng nông nghiệp ở vùng này một cách tương xứng, từ đó tăng cường năng lực sản xuất để hàng hóa nông, thủy sản nơi đây đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Cử tri đề nghị các bộ, ngành cải tiến cơ chế tạo điều kiện cho đa số nông dân được vay nguồn vốn hỗ trợ sản xuất.

Có cử tri cho rằng, các vấn đề an sinh xã hội bức xúc đang diễn hằng ngày có tác động trực tiếp đến từng người dân cũng rất quan trọng nhưng chưa được phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp khắc phục một cách thấu đáo.

Cử tri kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các bộ chức năng cần có kế hoạch chỉ đạo phát triển xã hội một cách toàn diện hơn, có giải pháp tháo gỡ, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; tăng cường giám sát các công trình, dự án xây dựng cơ bản, giám sát giải ngân các gói kích cầu của Chính phủ để tránh lãng phí, thất thoát và tránh thiếu minh bạch.

Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn, tiếp tục có các gói kích cầu đầu tư nhiều hơn cho sản xuất và tiêu thụ nông, thủy, hải sản; đầu tư cho các dự án, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đánh giá toàn diện về kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất đợt đầu

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại Hải Phòng Nguyễn Đạt Đợi khẳng định, trên thực tế, chủ trương vay vốn ngân hàng có hỗ trợ lãi suất của Chính phủ như "phao cứu sinh" đối với không ít doanh nghiệp.

Đến trung tuần tháng 10, hệ thống ngân hàng của thành phố đã cho vay hơn 10.400 tỷ đồng có hỗ trợ lãi suất (chiếm hơn 25% tổng dư nợ vay trên địa bàn). Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp biến thách thức thành thời cơ, tập trung vốn đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh sản xuất kết hợp tìm kiếm, mở rộng thị truờng nên kinh doanh dần phục hồi, ổn đinh và phát triển, đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã hoàn trả vốn vay.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp được vay vốn chiếm tỷ lệ còn thấp. Đặc biệt, vốn vay đến với nguời nông dân còn chật vật, khó khăn do thủ tục quá chặt chẽ. Hiện nông dân thành phố mới chỉ được vay hơn 1 tỷ đồng có hỗ trợ lãi suất để mua máy sản xuất.

Theo ông Đợi, Chính phủ cần khẩn trương khảo sát và đánh giá toàn diện về kết quả bước đầu thực hiện cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất đợt đầu trước khi xem xét, quyết định có tiếp tục chủ trương này không.

Nếu có, cần quan tâm cho vay vốn ưu đãi nhiều hơn đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường và người nông dân trên cơ sở "nới lỏng" một số quy định...

Ông Dương Anh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn Hải Phòng góp ý, không phải ngẫu nhiên giải pháp tập trung đầu tư, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông, lâm, ngư nghiệp được đặt lên hàng đầu trong 5 nhóm giải pháp chủ yếu mà Chính phủ trình Quốc hội nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

Theo ông Tùng, đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thể hiện sự coi trọng phát triển "tam nông" của Đảng, Nhà nước và yêu cầu tạo bước ngoặt mới trong đầu tư phát triển khu vực quan trọng này.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vị trí. Đơn cử như việc vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế của nông dân rất khó khăn, đó là chưa kể còn nhiều vấn đề như đầu tư cải tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết "4 nhà", lo "đầu ra" cho nông sản... chưa được quan tâm giải quyết kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục