Quốc hội xem xét một đề án, ba dự thảo luật

Sáng 30/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe thành viên Chính phủ trình bày 4 tờ trình về đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014; dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh; dự thảo Luật Cơ yếu và dự thảo Luật Người cao tuổi.

Sáng 30/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe thành viên Chính phủ trình bày 4 tờ trình về đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014; dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh; dự thảo Luật Cơ yếu và dự thảo Luật Người cao tuổi.

Xây dựng nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao

Theo tờ trình đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 do Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày, đề án này nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo.

Phó Thủ tướng nói, nền kinh tế Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường được 20 năm, đã hình thành ngày càng nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập, thì cơ chế tài chính giáo dục thực tế vẫn chưa có thay đổi về chất so với thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp.

Việc quản lý ngân sách giáo dục rất phân tán như các địa phương quản lý 74% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm; các bộ, ngành khác 21% và Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 5%.

Các địa phương, các bộ, ngành không có báo cáo về tình hình và hiệu quả sử dụng ngân sách giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, Bộ không đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả đầu tư của nhà nước cho giáo dục trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước chưa thay đổi. Mức học phí quá thấp, không phù hợp với mặt bằng giá cả cùng với chính sách cải cách tiền lương trong những năm qua.

Đề án gồm những nội dung như xác định nhu cầu tài chính cho các mục tiêu phát triển giáo dục; xác định các nguồn lực từ ngân sách, xã hội, các giải pháp huy động, sử dụng tài chính khả thi và hiệu quả, từ đó đảm bảo cân đối nhu cầu và nguồn lực tài chính bền vững cho phát triển hệ thống giáo dục quốc dân.

Đề án quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương trong việc lập và thực hiện kế hoạch ngân sách giáo dục; về nguyên tắc xác định mức học phí mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; về thẩm quyền quyết định mức học phí và xác định mức học phí của các cơ quan trung ương, địa phương và các cơ sở giáo dục.

Vấn đề về lương và các chính sách khuyến khích đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; các nghĩa vụ và quyền hạn về tài chính của các cơ sở giáo dục; về trách nhiệm và quyền giám sát, kiểm tra của các Bộ và cơ quan quản lý nhà nước, người học, gia đình người học và xã hội đối với việc sử dụng ngân sách giáo dục, cũng được đề cập đến trong đề án này.

Báo cáo thẩm tra đề án của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đa số thành viên Ủy ban cho rằng đề án được xây dựng công phu, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tiếp cận vấn đề một cách hệ thống và đưa ra những ý tưởng, cách thức mới trong việc đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Về nội dung xác định học phí và hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, khi người học chấp nhận đóng học phí cao hơn thì họ có quyền chính đáng đòi hỏi phía cơ sở giáo dục phải cam kết và hơn thế phải có cơ chế cụ thể đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức học phí đã thu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố tiêu chuẩn thể hiện bằng các tiêu chí cụ thể đối với “chất lượng chuẩn” làm cơ sở cho công tác kiểm định chất lượng.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, nếu áp dụng ngay từ đầu mức học phí trần như đề án đề xuất thì mức tăng quá lớn và đột ngột đối với một số địa phương và một bộ phận học sinh. Bởi vậy, nên có lộ trình tăng dần từng năm và mức học phí trần dự kiến chỉ nên áp dụng vào năm cuối của đề án.

Về tổ chức thực hiện, việc xác định thu nhập của hộ gia đình là rất phức tạp. Vì quản lý thu nhập hiện nay chủ yếu dựa vào lương và bằng tiền mặt nên việc tính toán thu nhập bình quân của hộ gia đình khó đảm bảo chính xác và công bằng.

Ngoài ra, hiện nay mới chỉ tính được mức thu nhập bình quân ở cấp tỉnh mà chưa tính được ở cấp huyện, xã. Cũng cần có biện pháp quản lý để tránh tình trạng sau khi đã xác định mức thu, học sinh sẽ dồn vào vùng học phí thấp.

Ủy ban cũng cho rằng, mức học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề bằng nhau là khó chấp nhận; mức học phí của trung cấp nghề quá chênh lệch so với cấp trung học phổ thông là không hợp lý, không công bằng đối với các đối tượng cùng lứa tuổi và không khuyến khích học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề. Do vậy, Ủy ban đề nghị tách riêng khung học phí của trung cấp nghề đối với đối tượng sau trung học cơ sở và quy định mức học phí phù hợp theo quan điểm nói trên.

Ủy ban cũng đề nghị đối với năm học 2009-2010 chấp nhận tăng mức trần học phí của khối đào tạo nghề nghiệp (trừ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp sau tốt nghiệp trung học cơ sở) ở mức không quá 1/3 mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2000 đến 2009, với việc tăng mức trần học phí đại học từ 180.000đồng/tháng lên 230.000đồng/tháng (bậc cao đẳng có hệ số bằng 0,8 lần đại học) và đối với cao đẳng nghề từ 120.000 đồng /tháng lên 155.000đồng/tháng.

Bắt đầu từ năm học 2010-2011 sẽ thực hiện theo lộ trình của đề án sau khi điều chỉnh và được phê duyệt.

Đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân


Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác khám bệnh, chữa bệnh hiện nay cũng như yêu cầu phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Cho ý kiến vào một số vấn đề của dự thảo Luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ góp phần tạo ra môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, trên cơ sở đó đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ủy ban nói đây là luật chuyên ngành nên các quy định chỉ tập trung điều chỉnh mối quan hệ giữa thầy thuốc và cơ sở y tế với người bệnh, tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động, hành nghề của cán bộ y tế cũng như của cơ sở khám chữa bệnh.

Vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm đó là Luật Khám bệnh, chữa bệnh cùng với các luật khác liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được ban hành đến nay vẫn chưa thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong quá trình đổi mới.

Tăng cường sức khỏe và phúc lợi xã hội cho người cao tuổi

Dự thảo Luật Người cao tuổi quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ mang tính đặc thù của nhóm người cao tuổi. Điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Pháp lệnh hiện hành để phù hợp với một số luật mới được ban hành, đồng thời bổ sung và quy định cụ thể hơn một số chính sách trong chăm sóc sức khỏe; hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, giao thông công cộng; chúc mừng thọ, tang lễ.

Dự thảo cũng đề cập đến xã hội hóa theo hướng ưu tiên lứa tuổi, đối tượng; đảm bảo công bằng hơn, bổ sung các quy định liên quan đến cơ sở chăm sóc người cao tuổi và Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Đối tượng người cao tuổi được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước được mở rộng hơn.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã nghiên cứu, bổ sung những điểm cơ bản của Chương trình hành động quốc tế về người cao tuổi năm 2002 theo 3 hướng ưu tiên phù hợp với điều kiện của Việt Nam là người cao tuổi và phát triển; tăng cường sức khỏe và phúc lợi xã hội cho người cao tuổi; bảo đảm môi trường thuận lợi và hỗ trợ người cao tuổi.

Ban hành Luật Cơ yếu: yêu cầu khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật về cơ yếu

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức cơ yếu chưa cụ thể, chưa quy định tổ chức Cơ yếu Việt Nam được thành lập ở đâu, đến cấp nào để đảm bảo nguyên tắc là đầu mối độc lập, trực thuộc cấp ủy và thủ trưởng cơ quan sử dụng cơ yếu.

Một số văn bản pháp luật khác như Luật Công an, An ninh quốc gia, Pháp lệnh tình báo, Luật Giao dịch điện tử, Công nghệ thông tin có một số quy định liên quan đến hoạt động mật mã, thông tin liên lạc.

Tuy nhiên các quy định pháp luật về cơ yếu, hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin chưa thực sự đầy đủ và cụ thể, làm hạn chế việc tổ chức thực hiện một số nội dụng của các văn bản này trên thực tế.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu là yêu cầu khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật về cơ yếu; nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, triển khai, sử dụng cơ yếu, quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin; bảo đảm quốc phòng và an ninh, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục