Quốc tế đánh giá cao VN về phát triển nông nghiệp

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp.
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 43 tại Davos, Thụy Sĩ, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhân vật rất có uy tín trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và học thuật trên thế giới. Tại Hội nghị, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là kinh nghiệm mà nhiều nước trên thế giới cũng muốn tham khảo và phát triển.

Ngay sau khi Hội nghị bế mạc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có cuộc trao đổi với phóng viên. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Davos 2013 bế mạc với sự lạc quan dè dặt vào khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới, Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm của mình về Hội nghị lần này, đồng thời cho biết mục tiêu cũng kết quả đạt được của đoàn đại biểu Việt Nam ?


Bộ trưởng Cao Đức Phát:
Hội nghị thường niên Davos là cơ hội tốt để đoàn Việt Nam gặp gỡ với rất nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, các nhà kinh tế và học giả để trao đổi về các vấn đề quan tâm của thế giới.

Trong khoảng thời gian gần một tuần đã diễn ra rất nhiều cuộc họp, cuộc hội thảo song phương và đa phương để trao đổi về các vấn đề quốc tế. Đoàn Việt Nam tập trung vào dự một số cuộc họp có liên quan nhiều đến Việt Nam và tham khảo kết quả của các cuộc họp khác. Mặc dù khó có thể đưa ra ngay đánh giá kết quả tổng hợp vì còn phải chờ đợi báo cáo chung của Diễn đàn, song có thể nói Diễn đàn lần này đã có được sự quan tâm của rất nhiều nhân vật rất có uy tín về các vấn đề chính trị, kinh tế và học thuật trên thế giới.

Trong các cuộc họp đoàn tham gia tại Davos, chúng tôi tập trung vào hai mục tiêu, thứ nhất là tham khảo ý kiến của các thành viên tham gia Diễn đàn về tình hình kinh tế thế giới, và các xu hướng cũng như các giải pháp. Thứ hai là báo cáo những kết quả triển khai sáng kiến mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong nông nghiệp.

Hiện nay Việt Nam đang là một trong 11 nước trên thế giới thử nghiệm mô hình PPP. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hợp tác cùng với 20 tập đoàn hàng đầu của thế giới có liên quan đến nông nghiệp để thực hiện một chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Đoàn Việt Nam đã tóm lược kết quả bước đầu cùng với 11 đối tác, để qua đó rút kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai trong những năm tới.

Gần đây, các đối tác đã thành lập các nhóm phát triển hình thức tín dụng để phục vụ cho bà con nông dân tham gia chương trình này. Sau hai năm thực hiện, nhiều mô hình đã có kết quả cụ thể, như đối tác về chè đã mua của nông dân 10.000 tấn chè được xác nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và đang hướng tới để sản xuất và mua của bà con nông dân 50.000 tấn.

Về càphê, mô hình ban đầu cho kết quả tăng năng suất 5% và góp phần tăng thu nhập của nông dân thêm 15%. Nhóm về cá cũng đã hướng dẫn cho một số huyện lớn để bà con nuôi cá theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa vào tiêu thụ trong hệ thông siêu thị. Còn nhóm về rau quả đã đưa các giống mới trồng thử nghiệm ở Lâm Đồng và một số địa phương khác và bước đầu đã cho năng suất cao hơn nhiều so với các giống hiện đang trồng.

Qua báo cáo, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là kinh nghiệm mà nhiều nước trên thế giới cũng muốn tham khảo và phát triển.

- Với tư cách là trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Bộ trưởng có thể nêu một số điểm chính trong báo cáo tham luận tại Diễn đàn WEF 2013?


Bộ trưởng Cao Đức Phát:
Tại Diễn đàn lần này, đoàn Việt Nam tham dự các phiên thảo luận liên quan đến triển khai các sáng kiến bao gồm Sáng kiến "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp" với chủ đề Tăng cường sự ảnh hưởng và Sáng kiến liên minh hành động về tăng trưởng xanh, “Chuyển đổi các dòng đầu tư: Liên minh hành động tăng trưởng xanh," các phiên về An ninh lương thực, trách nhiệm đầu tư cho nông nghiệp, ngoài ra đoàn còn tham dự các phiên khu vực như Thích ứng trong sự đa dạng của ASEAN.

Các nội dung chính chúng tôi tập trung vào trao đổi các kết quả triển khai sáng kiến mô hình PPP trong nông nghiệp nhằm nâng cao phát triển sản xuất, duy trì ổn định thị trường của một số mặt hàng chủ lực nông nghiệp Việt Nam, các biện pháp tiếp theo để gia tăng sự ảnh hưởng của sáng kiến tầm nhìn mới trong nông nghiệp tại Việt Nam và trên Thế giới.

Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp,” WEF cũng đang tích cực thúc đẩy nhiều hoạt động sang kiến để thực hiện “liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh (Green Growth Action Alliance A2G2)”, trong đó huy động các nguồn lực tài chính thông qua mô hình PPP là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh để huy động thêm các nguồn lực từ khối tư nhân nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

- Việt Nam đã chính thức tham gia sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của WEF từ năm 2010, Bộ trưởng có thể cho biết ý nghĩa của Sáng kiến với Nông nghiệp Việt Nam, điểm qua một vài kết quả trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới của Việt Nam để thực hiện sáng kiến này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong khuôn khổ WEF nhằm triển khai sáng kiến thúc đẩy “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp,” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện tại đang phối hợp với nhiều Tập đoàn và công ty quốc tế, các Bộ, ngành, các địa phương và các công ty trong nước, hiệp hội ngành hàng đang triển khai “Nhóm công tác hợp tác công-tư nông nghiệp” nhằm nâng cao phát triển sản xuất, duy trì ổn định thị trường của một số mặt hàng chủ lực nông nghiệp Việt Nam.

Sáu nhóm đặc trách chuyên biệt trong nhóm công tác PPP nông nghiệp được thành lập bao gồm rau, hoa quả càphê, chè, thủy sản và các hàng hóa chung và nhóm tài chính vi mô đang được triển khai hiệu quả tại Việt Nam và được WEF cũng như các quốc gia khác đánh giá cao, đây là mô hình điển hình về liên kết công-tư để phát triển nông nghiệp trên thế giới.

Trong năm 2012, WEF đã cử đoàn làm phim đến Việt Nam thực hiện đoạn phim giới thiệu về kết quả triển khai thí điểm mô hình PPP nông nghiệp và để quảng bá hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Từ kết quả triển khai thí điểm mô hình PPP nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiến hành rà soát tổng kết và xây dựng đề án hợp tác công-tư nông nghiệp để tạo một cơ chế mới – cơ chế PPP nông nghiệp, tạo ra các cơ hội mới để nông dân nâng cao thu nhập, phát triển bền vững và nhằm huy động nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp.

Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp,” WEF cũng đang tích cực thúc đẩy nhiều hoạt động sang kiến để thực hiện “liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh,” trong đó huy động các nguồn lực tài chính thông qua mô hình PPP là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh để huy động thêm các nguồn lực từ khối tư nhân để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia cam kết mạnh mẽ và lồng ghép nội dung về tăng trưởng xanh trong các chương trình hành động phát triển kinh tế xã hội và trong các chương trình hành động của các ngành đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhóm triển khai sáng kiến “liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh" ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện để sớm đề xuất các đề án/dự án nhằm thực hiện các chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh trong nông nghiệp tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Tố Uyên/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục