Quốc tế kêu gọi tháo ngòi căng thẳng ở Nagorny Karabakh

Liên hợp quốc, OSCE, Liên minh châu Âu đều lên tiếng kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngay lập tức tháo ngòi căng thẳng ở Nagorny Karabakh.

Trong ngày 4/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngay lập tức tháo ngòi căng thẳng ở Nagorny Karabakh.

Ông chia sẻ mối quan ngại sâu sắc của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk (nhóm trung gian giải quyết cuộc xung đột Nagorny Karabakh gồm Nga, Mỹ, Pháp) và các đối tác quốc tế khác về tình hình căng thẳng và bạo lực leo thang dọc biên giới giữa 2 nước trong những ngày vừa qua.

Trong thông báo do người phát ngôn của ông Ban Ki-moon công bố tại trụ sở Liên hợp quốc, người đứng đầu tổ chức quốc tế này hối thúc Armenia và Azerbaijan tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, kiềm chế gây bạo lực, cam kết tháo ngòi căng thẳng và tiếp tục đối thoại để nhanh chóng đạt giải pháp chính trị hòa bình cho xung đột.

Ông bày tỏ ủng hộ hoàn toàn các nỗ lực của Nhóm Minsk và tất cả các bên tham gia giải quyết tình hình căng thẳng ở Nagorny Karabakh.

Một phái viên kỳ cựu trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết thông tin về những sự việc mới đây dọc các tuyến đầu ở Nagorny Karabakh khiến tổ chức này lo ngại. Ông cam kết sẽ tiếp tục liên lạc với các bên, kể cả cấp cao nhất, để giúp tháo ngòi căng thẳng.

Liên minh châu Âu (EU) cũng hối thúc các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn, kiềm chế sử dụng vũ lực và tiếp tục các nỗ lực tiến tới giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nagorny Karabakh.

Trong khi đó, Azerbaijan và Armenia tiếp tục cáo buộc lẫn nhau làm gia tăng căng thẳng ở khu vực tranh chấp chủ quyền nói trên mặc dù Yerevan khẳng định chưa có nguy cơ xảy ra chiến tranh ở khu vực này.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Seyran Ohanyan cho biết tình hình ở tuyến đầu vẫn căng thẳng, hai nước luôn sẵn sàng tiến hành hành động khiêu khích có thể phát triển thành chiến tranh. Ông Ohanyan cho rằng Baku phải chịu trách nhiệm về những hành động thù địch cũng như những thiệt hại về người ở khu vực này.

Trái lại, Azerbaijan khẳng định Armenia làm cho cuộc xung đột kéo dài 20 năm qua trầm trọng thêm để rồi đổ lỗi cho Baku. Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Azerbaijan Novruz Mamedov, việc Yerevan cáo buộc Baku cài các nhóm phá hoại vào trong lực lượng quân đội Armenia là không hợp lý.

Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Các cuộc giao tranh lên đến đỉnh điểm cuối tuần qua khiến ít nhất 18 người Azerbaijan và người sắc tộc Armenia thiệt mạng và nhiều người khác bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục