Quốc tế tăng cường các nỗ lực cứu trợ nhân đạo tại Syria

Các nhóm cứu trợ nhân đạo đã bắt đầu hoạt động phân phát đồ cứu trợ quy mô lớn nhất tại Syria sau khi Liên hợp quốc sơ tán hàng trăm người dân khỏi các khu vực bị bao vây.
Quốc tế tăng cường các nỗ lực cứu trợ nhân đạo tại Syria ảnh 1Các đoàn xe chở hàng cứu trợ của Liên hợp quốc chuyển hàng viện trợ tới người dân Syria bị vây hãm ở Kafr Batna, Đông Ghouta ngày 25/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/4, các nhóm cứu trợ nhân đạo đã bắt đầu hoạt động phân phát đồ cứu trợ quy mô lớn nhất tại Syria sau khi Liên hợp quốc sơ tán hàng trăm người dân khỏi các khu vực bị bao vây.

Đây là các dấu hiệu cho thấy tiến bộ của hoạt động nhân đạo tại Syria, nơi cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua đã làm 270.000 người thiệt mạng.

Phát biểu với báo giới, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Staffan de Mistura cho biết các diễn biến ngày 21/4 "khiêm tốn nhưng là tiến bộ thực sự."

Theo ông Mistura, các hoạt động cứu trợ nhân đạo được tăng cường và thỏa thuận ngừng bắn được tuân thủ triệt để chắc chắn sẽ giúp cho các cuộc thương thảo chính trị diễn ra tốt đẹp.

Các nhóm cứu trợ đã bắt đầu phân phát lương thực và thuốc men tới 120.000 người dân ở trong và gần thị trấn Rastan, hiện đang bị các lực lượng nổi dậy bao vây.

Người đứng đầu một đội cứu trợ thuộc Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) tại khu vực này, bà Majda Flihi cho biết điều kiện sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tưới tiêu trong thị trấn bị hư hại nặng khiến tình hình càng tồi tệ hơn.

Theo người phát ngôn ICRC Pawel Krzysiek, đây là chuyến hàng cứu trợ lớn nhất phối hợp giữa ICRC với tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Arab của Syria kể từ đầu cuộc chiến đến nay.

Cùng ngày, Liên hợp quốc đã hoàn tất một đợt sơ tán quy mô lớn cho 500 người "cần được chăm sóc khẩn cấp về y tế" và gia đình họ tại 4 thị trấn đang bị bao vây.

Theo một thỏa thuận giữa hai bên, 250 người được sơ tán khỏi hai thị trấn có đông người Shiite là Fuaa và Kafraya ở tỉnh Idlib (Tây Bắc), hiện nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ nhưng bị lực lượng nổi dậy bao vây.

Đổi lại các lực lượng thân chính phủ cho phép 250 người được rời khỏi các thị trấn Zabadani và Madaya, hiện bị quân nổi dậy chiếm đóng, ở phía Bắc thủ đô Damascus.

Ở thời điểm không lâu sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27/2, tình trạng bạo lực đã có dấu hiệu giảm đáng kể tại Syria.

Tuy nhiên, đến lúc này, dù không bên nào chính thức tuyên bố thỏa thuận đã "chết", bạo lực đã bùng phát ở nhiều địa điểm, đặc biệt là tỉnh Idlib và thành phố Aleppo.

Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn hãng tin Nga RIA cùng ngày, Thủ tướng Syria Wael al-Halaki cho biết Damascus sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp sau khi chính phủ mới được thành lập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục