Quốc tế ủng hộ các nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Colombia

Nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với tiến trình đàm phán hòa bình ở Colombia, cựu nguyên thủ nhiều nước đã cùng tham dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được tổ chức tại Cartagena.
Quốc tế ủng hộ các nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Colombia ảnh 1Tổng thống Juan Manuel Santos với biểu tượng "Hòa bình" trong lòng bàn tay. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với tiến trình đàm phán hòa bình hướng tới chấm dứt xung đột kéo dài hơn 5 thập kỷ qua ở Colombia, ngày 1/7, cựu nguyên thủ nhiều nước đã cùng tham dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được tổ chức tại thành phố Cartagena ven biển Caribbean miền Bắc Colombia.

Phát biểu trước hội nghị có tên gọi "Con đường thứ ba" (Third way) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Juan Manuel Santos, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhấn mạnh đất nước Colombia sẽ không bao giờ đạt được hòa giải dân tộc nếu tiến trình hòa đàm hiện nay rơi vào ngõ cụt.

Cựu chính khách này cũng cho rằng thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Chính phủ và Lực lượng Vũ trang cách mạnh Colombia (FARC) là bước đầu tiên của một tiến trình hòa hợp dân tộc kéo dài nhiều năm sau này.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nhấn mạnh sự cần thiết phải từ bỏ bạo lực và theo đuổi các giải pháp hòa bình.

Theo ông, trong nỗ lực thúc đẩy hòa giải dân tộc, các bên liên quan tại Colombia cần tỏ rõ thiện chí và sự linh hoạt trong hòa đàm.

Sáng kiến về Hội nghị "Con đường thứ ba" được Tổng thống Santos tổ chức lần đầu tiên năm 2010 ngay sau khi ông đắc cử nhiệm kỳ thứ nhất.

Tái đắc cử tháng Sáu vừa qua, chính khách này khẳng định tiếp tục theo đuổi mục tiêu hòa giải dân tộc, ký kết thỏa thuận hòa bình với FARC nhằm đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột vũ trang kéo dài hơn 5 thập kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này.

Tham dự hội nghị năm nay ngoài hai cựu nguyên thủ quốc gia Mỹ và Anh còn có nhiều nhân vật từng lãnh đạo các nước Brazil, Chile, Tây Ban Nha...

Đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và FARC được khởi động tại thủ đô La Habana của Cuba từ tháng 11/2012, đến nay đã gặt hái được một số kết quả, trong đó có nội dung liên quan việc FARC tham gia các hoạt động chính trị của đất nước với tư cách một chính đảng đối lập.

Hiện hai bên đang thảo luận về vấn đề nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang, nội dung thứ 4 trong gói 6 điểm của chương trình nghị sự. Các vấn đề còn lại bao gồm việc giải giáp vũ khí và việc phê duyệt thỏa thuận cuối cùng.

Bên cạnh FARC, chính quyền Tổng thống Santos cũng đang thúc đẩy các vòng đàm phán với Quân đội Giải phóng quốc gia Colombia (ELN), lực lượng vũ trang lớn thứ hai ở quốc gia Mỹ Latinh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục