Quốc vương Lesotho nỗ lực tìm cách hóa giải căng thẳng

Quốc vương Lesotho Letsie III đã gặp các lãnh đạo của chính phủ liên minh cầm quyền để thảo luận việc nối lại hoạt động của Quốc hội, cơ quan đã phải đóng cửa hơn 2 tháng nay.
Quốc vương Lesotho nỗ lực tìm cách hóa giải căng thẳng ảnh 1Binh sỹ Lesotho rời khỏi trụ sở cơ quan cảnh sát ở Maseru ngày 30/8. (Nguồn:AFP/TTXVN)

Ngày 5/9, Quốc vương Lesotho Letsie III đã gặp các lãnh đạo của chính phủ để thảo luận việc nối lại hoạt động của Quốc hội, cơ quan đã phải đóng cửa hơn hai tháng nay.

Cuộc gặp trên phù hợp với một thỏa thuận đạt được trước đó dưới sự bảo trợ của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC).

Hiện SADC đang đứng ra làm trung gian hòa giải nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chính biến khiến Thủ tướng Thomas Thabane phải chạy sang Nam Phi hôm 1/9.

Ông Thabane đã về nước ngày 3/9 và đề nghị Quốc vương Letsie III triệu tập Quốc hội họp vào ngày 19/9 tới.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 5/9, Trung Tướng Maaparankoe Mahao cho biết Trung Tướng Tlali Kamoli đã chiếm vũ khí của quân đội để chuẩn bị cho khả năng đối đầu.

Theo Tướng Mahao, ông Kamoli đã chiếm giữ nhiều vũ khí, trong đó có súng máy phòng không, lựu đạn và các loại vũ khí nhỏ, từ các kho vũ khí của nhà nước để chuẩn bị cho các chiến dịch "phòng thủ và tấn công."

Các thông tin tình báo cho biết Tướng Kamoli đang ẩn náu tại khu vực miền núi.

Sau khi về nước, Thủ tướng Thabane cam kết nối lại hoạt động của cơ quan lập pháp, song khẳng định vẫn giữ nguyên đề nghị sa thải Tư lệnh lực lượng phòng vệ Lesotho, Tướng Kamoli.

Chính quyết định sa thải vị tướng này đã dẫn tới các cuộc tấn công hôm 30/8 vừa qua mà ông Thabane cáo buộc là "đảo chính."

Quân đội bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cho biết đã đột kích vào trụ sở cảnh sát nhằm truy tìm và tịch thu số vũ khí mà họ cho là được chuẩn bị chuyển giao cho "những kẻ cuồng tín chính trị."

Tuy nhiên, dinh thự của Thủ tướng Thabane cũng đã bị đột kích, khiến ông phải chạy sang Nam Phi.

Ngoài ra, có tin Tướng Mahao, người kế nhiệm ông Kamoli, cũng là một mục tiêu ám sát trong các cuộc tấn công ngày 30/8.

Trước đó, Thủ tướng Thabane đã giải tán Quốc hội hồi tháng Sáu nhằm tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Việc này đã được Quốc vương ủng hộ.

Lesotho là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nằm ở phía Nam châu Phi. Nước này từng chứng kiến nhiều cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập năm 1966.

Sau cuộc bầu cử năm 2012, tình hình tại Lesotho có phần ổn định hơn khi ba chính đảng lớn hợp thành liên minh.

Tuy nhiên, sự ổn định đó cũng chỉ kéo dài khoảng 2 năm cho tới khi xảy ra sự kiện hôm 30/8 mà Thủ tướng Thabane cáo buộc là một cuộc đảo chính quân sự.

Trong hai năm chia sẻ quyền lực, các đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Thabane liên tục cáo buộc ông đưa ra các quyết định đơn phương.

Tại Lesotho, cảnh sát trung thành với Thủ tướng Thabane, trong khi quân đội ủng hộ Phó Thủ tướng Mothejoa Metsing, thuộc đảng Đại hội Dân chủ Lesotho (LCD - một đối tác trong liên minh cầm quyền).

Ông Metsing cũng bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục