Ngày 7/11, Quốc vương Maroc Mohammed VI đã tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bắt đầu chuyến công du các nước vùng Vịnh trong một nỗ lực làm giảm căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước láng giềng Arab.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Quốc vương Mohammed VI cùng với Hoàng tử Moulay Ismail đã tới Abu Dhabi trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị và làm việc tại UAE.
Tháp tùng Quốc vương Mohammed VI còn có 3 cố vấn của ông cùng Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế.
Tuyên bố từ Văn phòng Hoàng gia Maroc cho biết Quốc vương Mohammed VI cũng sẽ thăm Qatar vào ngày 12/11.
Nội dung chính trong các cuộc làm việc của Quốc vương Maroc với các quan chức cấp cao của UAE và Qatar là tìm giải pháp cho căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và 4 nước Arab bao gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập.
Trước đó, Maroc đã bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh và đề xuất làm trung gian hòa giải nhằm tháo gỡ căng thẳng hiện nay.
Quốc gia Bắc Phi này cam kết duy trì liên hệ chặt chẽ và liên tục với các bên trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc hòa giải là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al Than đã ban hành một nghị định sửa đổi về đầu tư tại các khu vực tự do thương mại nhằm giảm các tác động của căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh.
Theo Thủ tướng Qatar Sheikh Abdullah bin Nasser bin Khalifa al Thani, các sửa đổi mới này được đưa ra trong khuôn khổ kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông nêu rõ các khu vực thương mại tự do giúp tăng khối lượng đầu tư trong nước và nước ngoài và sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 100% vốn pháp định.
Theo truyền thông Qatar, bất chấp sự cô lập của 4 nước Arab, Qatar đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước khác để tăng cường đầu tư thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới và thu hút khách du lịch.
Đầu tháng Sáu vừa qua, Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đóng cửa các liên kết vận tải đường bộ, đường không, đường biển với Doha, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực.
Nhóm 4 nước Arab sau đó đã đưa ra bản yêu sách 13 điểm, trong đó yêu cầu Qatar ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.
Tuy nhiên, Qatar đã tuyên bố bản yêu sách này không hợp lý và vi phạm chủ quyền của Doha.
Kuwait đã cố gắng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa các bên, song các nỗ lực của nước này tới nay vẫn không đạt được tiến triển./.