“Quota tỷ giá” đã được cấp cho cả năm

Hiện nay, các ngân hàng thương mại một mặt thừa vốn ngoại tệ huy động được để cho vay, nhưng lại thiếu nguồn vốn này để bán cho doanh nghiệp. Điều này đã dẫn đến việc xuất hiện những tin đồn, khiến cho tỷ giá giữa đôla Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VND) liên tục biến động và có những cơn sốt, thậm chí có tình trạng “găm giữ” USD.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại một mặt thừa vốn ngoại tệ huy động được để cho vay, nhưng lại thiếu nguồn vốn này để bán cho doanh nghiệp. Điều này đã dẫn đến việc xuất hiện những tin đồn, khiến cho tỷ giá giữa đôla Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VND) liên tục biến động và có những cơn sốt, thậm chí có tình trạng “găm giữ” USD.
 
Tình hình này đã khiến nhiều người lo ngại, VND sẽ tiếp mục bị phá giá mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã cấp trước “quota tỷ giá” cho cả năm 2009. Do vậy, không có lý do gì để kỳ vọng sự mất giá mạnh hơn nữa của VND trong năm 2009.
 
Lý giải cho điều này, ông Bình nhấn mạnh, năm 2009 là một năm khó khăn của nền kinh tế nước ta, tuy nhiên đứng trên phương diện phân tích một số cân đối lớn của nền kinh tế như cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể thì tình hình còn tốt hơn nhiều so với năm 2008.
 
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành dự báo cán cân thanh toán cho cả năm 2009 theo nhiều kịch bản khác nhau của nền kinh tế trong nước và quốc tế. Kết quả cho thấy mức thâm hụt trung bình của cán cân thanh toán là trên, dưới một tỷ USD.
 
Ngay cả với kịch bản xấu nhất thì mức thâm hụt này cũng chỉ gần 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của nước ta vẫn đang duy trì ở mức 20 tỷ USD, đủ sức để bù đắp mọi thiếu hụt của cán cân thanh toán.
 
Kết quả dự báo này cũng phù hợp với kết quả dự báo cán cân thanh toán Việt Nam năm 2009 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiến hành. Thực tế diễn ra trong 4 tháng đầu năm 2009 cũng đã khẳng định mức độ chính xác của dự báo.
 
Mặc dù vẫn có những ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều về vấn đề này, nhưng ông Bình cho rằng trong mọi phương án tính tỷ giá, yếu tố lạm phát là một yếu tố quan trọng.
 
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, mức lạm phát của ta năm nay sẽ vào khoảng 5 đến 6%. Như vậy, mức mất giá của VND được kỳ vọng cũng chỉ ở mức đó mà thôi, thậm chí còn thấp hơn.
 
Cũng còn có một cách khác để kiểm chứng nhanh mức độ phù hợp của tỷ giá đó là: mức phá giá của đồng nội tệ không vượt quá chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa nội tệ và ngoại tệ. Hiện nay, trong hệ thống ngân hàng lãi suất huy động USD và VND trung bình ở mức xấp xỉ 2% và 8%. Như vậy, theo phương pháp giản đơn này thì mức mất giá tối đa của VND cũng không vượt qua 5 – 6%.
 
Trên thực tế, ngày 25/12/2008 nhằm tạo đà xuất khẩu cho năm 2009 Ngân hàng Nhà nước đã phá giá VND 3%; ngày 24/3/2009, nhằm tạo ra khả năng linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ giữa khách hàng và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh biên độ giao dịch từ + 3% lên + 5%. Như vậy, tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép VND mất giá 5% nhằm tạo đà cho xuất khẩu, tránh tâm lý lo ngại việc mất giá mạnh của VND, tạo điều kiện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Do vậy, có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã cấp trước "quota tỷ giá" cho năm 2009.
 
Tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất huy động USD
 
Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động USD của các ngân hàng phổ biến ở mức từ 2%-3%. Do không cho vay ra được nên nếu các ngân hàng huy động càng nhiều USD thì sẽ càng lỗ.
 
Do vậy, các ngân hàng phải cùng nhau đưa mặt bằng lãi suất huy động USD xuống thấp hơn nữa (theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước phải ở mức từ 1 đến 2% là tối đa). Khi đó mới có điều kiện để đưa mặt bằng lãi suất cho vay USD xuống mức thấp hơn (theo tính toán sẽ ở mức từ 1,5% đến 3,5%). Điều này sẽ tạo chênh lệch lãi suất giữa vay vốn USD và VND ở mức từ 2% đến 3% - điều kiện hấp dẫn hơn để khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn USD thay vì chỉ đi mua USD.
 
“Các ngân hàng thương mại đang rất muốn điều này nhưng còn nhìn nhau. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông qua Hiệp hội Ngân hàng để tạo ra sự đồng thuận và triển khai đồng bộ giữa các NHTM theo hướng này,” ông Bình nói.
 
Mặt khác, khi tiến hành hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn bằng VND cũng đã “vô hình chung” tạo ra sự mất cân đối giữa mặt bằng lãi suất VND và USD. Điều này “tạo điều kiện kinh tế thuận lợi” cho các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ găm giữ lại ngoại tệ và đi vay VND để phục vụ sản xuất kinh doanh của mình.
 
Do đó, ông Bình cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện phương án để sớm hướng dẫn các tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tiền gửi thích hợp đối với các tổ chức kinh tế có nguồn thu ngoại tệ.
 
Với ý kiến đề xuất bên cạnh việc hỗ trợ 4% lãi suất vay VND cho cả 3 kỳ hạn thì cũng phải áp dụng biện pháp hỗ trợ lãi suất vay vốn ngoại tệ, theo ông Bình, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cách đặt vấn đề như vậy là hợp lý, logic. Tuy nhiên, phải đảm bảo được tính khả thi của đề xuất này.
 
Cũng liên quan đến các giải pháp cho thị trường ngoại hối, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là hiện vẫn chưa phải là lúc áp dụng biện pháp kết hối. “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ những bức xúc trong dư luận xã hội về việc một số tổ chức kinh tế lớn được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước lại găm giữ ngoại tệ để trục lợi. Thực tế này phải được kịp thời chấn chỉnh và xử lý,” ông Bình nhấn mạnh./.
 
Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục