Quy định áp dụng Luật phá sản với tổ chức tín dụng

Thủ tục phá sản với tổ chức tín dụng gồm nộp đơn, mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động; thanh lý tài sản, khoản nợ; tuyên bố phá sản.
Ngày 18/1, Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng.

Cũng giống các doanh nghiệp khác, thủ tục phá sản áp dụng đối với các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản gồm 4 bước nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh; thanh lý tài sản, các khoản nợ và tuyên bố phá sản.

Tòa án Nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng.

Nghị định nêu rõ việc phá sản tổ chức tín dụng có ảnh hưởng rất lớn đến những người gửi tiền, đặc biệt người gửi tiền cá nhân, với số lượng đông đảo, do đó cũng có thể ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của quốc gia.

Vì vậy, việc phá sản các tổ chức tín dụng đòi hỏi phải có quy trình đặc biệt để bảo đảm được quyền lợi của người gửi, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phải được xem xét, xử lý hợp lý để tránh ảnh hưởng, tác động dây chuyền đến các tổ chức tín dụng khác, ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống tổ chức tín dụng.

Điều kiện xác định tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản là tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Theo Nghị đinh, những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần của tổ chức tín dụng; người lao động làm việc trong tổ chức tín dụng; chủ sở hữu của tổ chức tín dụng nhà nước, cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần.

Nghị định cũng nêu rõ Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có đủ 2 điều kiện Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán phụ trách việc phá sản ra quyết định thành lập tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản.

Mọi hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản được tiến hành dưới sự giám sát, kiểm tra của thẩm phán và tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Trường hợp tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì Tòa án quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng mà không triệu tập hội nghị chủ nợ để xem xét áp dụng thủ tục phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục