Quy định cấm đặt tên dài quá 25 chữ: Cần có lý lẽ thuyết phục

Cùng với nhiều vấn đề nổi cộm của dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), những quy định mới về việc đặt tên của công dân thu hút nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.
Quy định cấm đặt tên dài quá 25 chữ: Cần có lý lẽ thuyết phục ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 10/6, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc theo đúng yêu cầu về nội dung và tiến độ nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ.

Các ý kiến cho rằng Bộ luật Dân sự giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vì vậy việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ một quy định nào cũng cần phải được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng, đánh giá tác động xã hội đầy đủ, toàn diện; đồng thời cần giải trình rõ và thuyết phục hơn nữa lý do của việc sửa đổi, bổ sung đối với từng điều, khoản đó.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới quy định tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Bộ luật về “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.”

Quan điểm của đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nếu không có điều luật quy định thì tòa không thể áp dụng tập quán hay lẽ công bằng để xét xử và đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: "Buộc tòa phải xét xử những vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng thì tòa sẽ căn cứ vào điều luật nào để làm việc này?" Đại biểu đề nghị việc sử dụng khái niệm “lẽ công bằng” tại khoản 2 Điều 6 cũng cần được xem xét thấu đáo, bởi khó định nghĩa thế nào là “lẽ công bằng.”

Nêu rõ quan điểm việc giải quyết của tòa phải đúng đắn, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị không nên quy định trong dự thảo Bộ luật những quy định dẫn đến sự tùy nghi trong áp dụng pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) lại cho rằng quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (khoản 2, điều 14) là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013.

Quy định này bảo vệ quyền con người, quyền công dân về trách nhiệm của Tòa án trong việc “bảo vệ công lý,” phù hợp với Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Đại biểu phân tích trong các quan hệ dân sự, chỉ khi hai bên không thể thống nhất được, không thể thương lượng được với nhau thì giải pháp cuối cùng mới đề nghị Tòa án giải quyết. Trong trường hợp Tòa án từ chối giải quyết, họ có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình bằng cái mà người ta vẫn gọi là “luật rừng.”

Thảo luận về khoản 2 Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này,” nhiều ý kiến tán thành với quan điểm nội dung này cần được cơ quan thẩm tra dự án bộ luật là Ủy ban Pháp luật nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.

Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Đây là vấn đề nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Các ý kiến đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, giải trình rõ hơn.

Thảo luận về đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 26 “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái,” nhiều ý kiến không tán thành với quy định này trong dự thảo, cho rằng quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết.

Theo đại biểu Lê Thị Nga, Ban soạn thảo cần đưa ra lý lẽ thuyết phục để lý giải vì sao lại “họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái.” Việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo làm rõ những nội dung này để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về quyền nhân thân; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu và thời hiệu thừa kế...

Theo chương trình, buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; nghe Tờ trình dự án Luật Khí tượng thủy văn và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục