Ngân hàng EU bị chia rẽ

Quy định mới của ECB chia rẽ ngân hàng Eurozone

Quyết định mới của ECB gây lo ngại rằng chính sách tiền tệ thống nhất của khu vực đồng euro đang thành một hệ thống hai cấp.
Quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc cho các ngân hàng trung ương các nước quyền không chấp nhận một số hình thức ký quỹ đang được các ngân hàng thương mại sử dụng để vay tiền đã gây lo ngại rằng chính sách tiền tệ thống nhất của khu vực đồng euro (Eurozone) đang trở thành một hệ thống hai cấp.

Trong khi các ngân hàng trung ương nằm dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu  luôn có quyền hạn nhất định về đồ ký quỹ của các ngân hàng thương mại, hai bộ quy định mới được đưa ra trong vài tháng qua đã cho phép các ngân hàng "rộng tay" hơn trong việc xác định chính xác tài sản nào sẽ được hay không được chấp nhận là đồ ký quỹ.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương được cho là sẽ phải tự chịu những thiệt hại xuất phát từ những quyền mới thay vì được các ngân hàng trung ương nước khác chia sẻ như trước đây.

Quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tạo ra sự chia rẽ trong hệ thống ngân hàng trung ương Eurozone, khi các ngân hàng trung ương của các nước ở vùng lõi như Đức, Áo, Phần Lan và Hà Lan không chấp nhận những tài sản có phẩm cấp thấp làm đồ ký quỹ như những gì các ngân hàng ở vùng ngoại vi đang chịu gánh nặng nợ nần có thể làm.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng mở đường cho các tài sản phẩm cấp thấp xâm nhập các ngân hàng trung ương của các nước đang phải đương đầu với khủng hoảng nợ công.

Sự thay đổi đầu tiên được đưa ra vào cuối năm ngoái, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cho phép các ngân hàng trung ương cấp nhiều tín dụng hơn cho các công ty và hộ gia đình và có thể thay đổi điều kiện cho vay nếu cần.

Vào tháng 2, Ireland, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Síp, Bồ Đào Nha và Áo đã dựa vào quyền này để nới lỏng các yêu cầu ký quỹ.

Những thay đổi này trị giá tổng cộng khoảng 200 tỷ euro, trong đó 50 tỷ euro đã được sử dụng cho các chương trình bơm thanh khoản trong 3 năm của Ngân hàng Trung ương châu Âu .

Ngân hàng Trung ương châu Âu  muốn đảm bảo rằng các ngân hàng trong khu vực sẽ không gặp trở ngại khi vay mượn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu do thiếu sự đảm bảo.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cho rằng quy định mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ gây bất lợi cho những ngân hàng trung ương không muốn nới lỏng yêu cầu về ký quỹ.

Nhà kinh tế Willem Buiter của Citi cảnh báo quy định mới sẽ đánh dấu bước chuyển từ một hệ thống ngân hàng thống nhất sang một hệ thống đa tốc độ như kiểu Liên Xô cũ.

Rất có thể, các nước trong liên minh tiền tệ châu Âu cũng sẽ tách ra với các chế độ tiền tệ quốc gia độc lập.

Sự chia rẽ giữa các ngân hàng còn lớn hơn trong tháng 3, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cho phép các ngân hàng trung ương cấm các ngân hàng thương mại sử dụng trái phiếu có sự bảo lãnh của chính phủ các nước đã được cứu trợ để vay mượn từ các nước khác.

Đức và Áo đã nhanh chóng thực hiện yêu cầu này, còn các nước khác có thể cũng sẽ tuân thủ nếu không muốn ôm khối bom là những tài sản xấu.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng động thái này là một bước tiến tới một chính sách hai cấp.

Quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu là nhằm để ngăn việc sử dụng qua biên giới trái phiếu ngân hàng được nhà nước bảo lãnh, một cách để cách ly khu vực lành mạnh hơn ở Eurozone khỏi những tài sản có thể là xấu.

Điều đáng bàn tới không phải là tác động ngay lập tức của những quy định gây chia rẽ về đồ ký quỹ mà là những ảnh hưởng gián tiếp của nó lên lòng tin của các nhà đầu tư cũng như khả năng vay mượn của các nước và các ngân hàng./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục