Quy hoạch giao thông, hiệu quả tiết kiệm năng lượng

Ở Việt Nam sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả không chỉ là ứng dụng KHCN mới vào giao thông mà còn đi đôi với quy hoạch hợp lý.
Phương án đề nghị điều chỉnh giờ làm, giờ học của Hà Nội cũng như Bộ Giao thông Vận tải, dù chưa được ngã ngũ, nhưng chính là những giải pháp thực tế nhằm giảm ùn tắc giao thông-vấn đề đang rất bức xúc hiện nay tại các đô thị lớn.

Song, nhìn ở góc độ lớn hơn, đây cũng chính là những biện pháp hữu hiệu để sử dụng và tiết kiệm năng lượng một cách có hiệu quả trước thách thức cạn kiệt nguồn năng lượng hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ về vấn đề này, tiến sỹ Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường thuộc Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, ở Việt Nam việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả không chỉ là ứng dụng khoa học công nghệ mới vào ngành mà còn đi đôi với việc quy hoạch, tổ chức giao thông hợp lý.

Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng liên quan tới cả chuyện làm sao để giảm ùn tắc giao thông. Tổ chức giao thông tốt nghĩa là điều chỉnh phân luồng từ xa, phân làn cự ly gần, lựa chọn loại hình phương tiện hợp lý cho từng cự ly cũng giảm được ùn tắc giao thông. Thậm chí, việc tăng cường vận tải công cộng, đổi giờ làm cũng là những mục tiêu giúp tiết kiệm năng lượng.

Hệ thống vận tải công cộng ở các đô thị ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có xe buýt và taxi. Tuy đã có những bước phát triển khá nhanh trong những năm qua nhưng thị phần đảm nhận của vận tải hành khách công cộng ở đô thị vẫn còn rất thấp (khoảng dưới 10% nhu cầu đi lại) vì chưa bảo đảm các yếu tố để thu hút dân chúng sử dụng loại dịch vụ này, bao gồm giá rẻ, an toàn, đúng giờ, mạng lưới rộng khắp, lan tỏa, thuận tiện cho mọi người.

Về vận tải đô thị, theo kinh nghiệm của các thành phố lớn trên thế giới, chúng ta cần tạo lập mạng vận tải xe buýt tối ưu, có sự kết nối giữa vành đai I, vành đai II, vành đai III. Đồng thời, mạng lưới giao thông cũng cần trục xuyên tâm tạo thế liên hoàn, thuận tiện cho người đi lại bằng xe buýt. Ngoài ra, cũng phải lập được các trục đường chính và những nhánh đường “xương cá.”

Cụ thể, vành đai I là tuyến nội đô phải có buýt chất lượng cao để giảm tối đa ô nhiễm. Muốn vậy, tổ chức giao thông cần tái cơ cấu mạng lưới xe buýt đô thị nội đô và hệ thống xe buýt vành đai. Tuy nhiên, không thể lạm dụng quá về xe buýt vì chỉ phát triển tới hàm lượng tối đa là 35% thị phần vận tải đô thị.

Về lâu dài, hệ thống vận tải khách khối lượng lớn, ít phát thải trong đô thị như phương tiện bánh sắt (metro, đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt khối lượng lớn) cần tiếp tục phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông như thế, đông đảo người tham gia giao thông sẽ tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng.|

Tại các thành phố lớn trên thế giới, phương tiện có năng lực vận chuyển lớn nhất là hệ thống đường sắt cao tốc hay còn gọi là Metro. Đây là loại phương tiện bảo đảm tốc độ và tính kết nối cao trong thành phố cũng như giữa thành phố và ngoại thành. Tại khu vực nội thị tuyến thường chạy ngầm, ra khỏi khu trung tâm thì chạy trên cao và đoạn chuyển tiếp thì nằm trên mặt đất. Đây cũng là hình thức giao thông có tính an toàn cao vì sử dụng đường riêng và ít gây ảnh hưởng đến môi trường nhất (chạy bằng điện và được thiết kế chống ồn tốt).

Trong tương lai gần, giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung phát triển theo định hướng đường sắt đô thị là xương sống cho giao thông công cộng của thành phố và xe buýt là phương thức cung cấp dịch vụ tại những nơi mà đường sắt đô thị không phát triển tới. Khi đã hình thành các tuyến đường sắt đô thị, sẽ điều chỉnh lại hành trình của các tuyến xe buýt cho phù hợp.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Hà Nội sẽ có năm tuyến đường sắt đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh có bảy tuyến đường sắt đô thị, hai tuyến monorail và một tuyến xe điện mặt đất.

Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, khi hệ thống xe buýt thông thường vẫn là hình thức vận tải công cộng duy nhất, nhiệm vụ phát triển giao thông công cộng sẽ bao gồm các hoạt động: hiện đại hóa hệ thống xe buýt hiện tại; phát triển và mở rộng các tuyến buýt mới về các quận, huyện xa trung tâm, các khu công nghiệp, khu đô thị mới; tăng số chuyến, số giờ phục vụ trong ngày.

Đồng thời, hệ thống xe buýt cũng tăng cường chính sách dành ưu tiên cho xe buýt trong giao thông nhằm tăng tốc độ vận doanh; tăng cường cải thiện dịch vụ vận tải hành khách công cộng thông qua các giải pháp như: tổ chức liên thông giữa các phương thức vận tải (bằng cách sử dụng vé chung); cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt; khuyến khích mở rộng các dịch vụ bán công cộng như xe buýt đưa đón học sinh và công nhân…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục