Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 2

Đối tượng không nằm trong quy hoạch là các trạm cấp phát nội bộ của các đơn vị như quân đội, nhà máy, xí nghiệp không tham gia thị trường bán lẻ và các cửa hàng chỉ bán PLG đóng bình.
Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 2 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN)

Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Công nghệ và Kinh tế Năng lượng vừa xây dựng Đề án Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 2 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đối tượng được quy hoạch là các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, có thể kết hợp với các dịch vụ thương mại khác như bán gas bình, cấp khí hóa lỏng (LPG) cho xe ôtô sử dụng nhiên liệu LPG, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, bán hàng ăn uống, tạp phẩm, bãi đỗ xe, trạm nghỉ qua đêm... của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Không quy hoạch các trạm cấp phát nội bộ của các đơn vị như quân đội, nhà máy, xí nghiệp không tham gia thị trường bán lẻ. Không quy hoạch các cửa hàng chỉ bán LPG đóng bình.

Vụ Kế hoạch cho biết thêm phạm vi quy hoạch là dọc tuyến Quốc lộ 2; trong đó, Quốc lộ 2 từ ngã ba Phủ Lỗ (Km0)-huyện Đông Anh (giao Quốc lộ 3) đến cửa khẩu Thanh Thủy tỉnh Hà Giang; Quốc lộ 2C từ cầu Vĩnh Thịnh (Km0)-huyện Ba Vì Hà Nội (giao Quốc lộ 32)-đi qua tỉnh Vĩnh Phúc đến ranh giới với tỉnh Tuyên Quang.

Trên địa phận tỉnh Tuyên Quang, Bộ Giao thông Vận tải có điều chỉnh tuyến đường (theo QĐ 1486/QĐ-BGTVT ngày 7/7/2011), theo đó chuyển đường tỉnh ĐT.185 (Km0+00 đến Km74+100) dài 74,1km và đường tỉnh ĐT.190 (Km35+650 đến Km80+00) dài 41,35km thành tuyến Quốc lộ 2C. Không quy hoạch Quốc lộ 2B (Vĩnh Yên-Tam Đảo); không quy hoạch các đoạn tuyến Quốc lộ 2 cũ. Quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo Vụ Kế hoạch, xuất phát từ thực tế ở các địa phương, các quy hoạch được lập có những khác biệt về tiêu chí phân loại, đánh giá hiện trạng tiêu chí về quy mô xây dựng cũng như khoảng các giữa các cửa hàng... Việc quản lý hệ thống cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch ở mỗi tỉnh, thành phố đã chứng tỏ tác động tích cực của lập quy hoạch, tuy nhiên do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cũng bộc lộ những điểm bất cập cần khắc phục.

Phổ biến nhất là sự tồn tại nhiều cửa hàng xăng dầu nhỏ bé về quy mô, kiến trúc không đảm bảo mỹ quan, lạc hậu về công nghệ, chưa có hệ thống toát và sử lý nước thải. Đặc biệt mật độ cửa hàng xăng dầu còn quá dày trên nhiều tuyến đường, không bảo đảm khoảng cách quy định theo Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 về việc "Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;" không đảm bảo cự ly khoảng cách theo QCVN-01-2013-BCT.

Quốc lộ 2 là đường giao thông chiến lược nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Song song với việc cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 2, kinh tế-xã hội các tỉnh này đã có chuyển biến tích cực. Khối lượng hàng hóa vận tải hai chiều từ Hà Nội lên Hà Giang, thông qua cửa khẩu Thanh Thủy sang Trung Quốc ngày một tăng. Lưu lượng xe vận tải trên tuyến cũng gia tăng.

Quốc lộ 2 có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua. Đồng bộ với việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 2, các khu công nghiệp, các đô thị, thị trấn, thị tứ sẽ phát triển và kèm theo đó là các hệ thống dịch vụ cũng ngày càng phát triển. Do vậy, việc quy hoạch hệ thống cung cấp xăng dầu dọc Quốc lộ 2 là nhu cầu tất yếu và là một thực tại khách quan vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu đối với giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục