Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam đến 2020

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm phát triển hệ thống thông tin duyên hải phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hàng hải và phát triển kinh tế biển, đảo.
Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam đến 2020 ảnh 1Ngư dân sử dụng thiết bị Movimar do Đài Thông tin duyên hải lắp đặt trên tàu đánh cá. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1054/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm phát triển hệ thống thông tin duyên hải bảo đảm cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông cho người và phương tiện hoạt động trên các vùng biển, đảo; phục vụ công tác quản lý điều hành, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển; phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển, đảo.

Phát triển hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam nhằm đáp ứng lộ trình hiện đại hóa hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); đa dạng hóa dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng an ninh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thông tin duyên hải.

Theo Quy hoạch, phát triển hạ tầng hệ thống thông tin duyên hải, gồm triển khai công nghệ số trên các băng tần MF/HF/VHF cho các đài thông tin duyên hải loại 1 tại thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung và phát triển hạ tầng để nâng cao năng lực thông tin cho các đài thông tin duyên hải tại những khu vực có mật độ tàu thuyền, lưu lượng thông tin liên lạc lớn như Hòn Gai, Thanh Hóa, Bến Thủy, Hòn La, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Lý Sơn, Quy Nhơn, Phú Yên, Phan Rang, Phan Thiết, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang.

Bên cạnh đó, từng bước thiết lập mới các đài thông tin duyên hải tại Nam Định, Quảng Bình, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, đảo Phú Quý và khu vực quần đảo Trường Sa; thiết lập các đài thu dự phòng nhằm nâng cao chất lượng thông tin tại bốn khu vực, gồm Khu vực từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, từ Quảng Bình đến Quy Nhơn, từ Phú Yên tới Ninh Thuận và từ Bình Thuận tới Kiên Giang.

Ứng dụng các công nghệ giám sát, điều khiển liên đài cho toàn hệ thống; kiện toàn hạ tầng mạng kết nối nội bộ các đài thông tin duyên hải sử dụng công nghệ truyền dẫn cáp quang, vệ tinh,… để đảm bảo độ tin cậy, tính sẵn sàng và khả năng xử lý hiệp đồng trong toàn hệ thống...

Quyết định cũng đưa ra một số giải pháp về cơ chế chính sách; về khoa học-công nghệ; tài chính; nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế nhằm phát triển hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam...

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Quyết định thay thế Quyết định số 269/TTg ngày 26/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam đến năm 2000 và định hướng đến năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục