Quy hoạch vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ gồm tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, có diện tích tự nhiên gần 7.419 km2, dân số gần 2,9 triệu người

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ gồm tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, có diện tích tự nhiên gần 7.419 km2, dân số gần 2,9 triệu người
 
Mục tiêu của quy hoạch là phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ thành khu vực kinh tế năng động; kết nối với 2 hành lang kinh tế Việt-Trung và khu vực biển Nam Trung Quốc, tạo điều kiện mở rộng hiệp thương và hợp tác với phát triển với Trung Quốc, ASEAN một cách chủ động, hiệu quả. Dự kiến, đến năm 2020, vành đai này sẽ đóng góp khoảng 6,5-7% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.500-4.000 USD/năm.
 
Theo quy hoạch, sẽ tập trung xây dựng hoàn chỉnh trục giao thông nòng cốt như tuyến giao thông ven biển Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng-Ninh Bình. Đồng thời, xem xét việc xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ninh-Hải Phòng-Ninh Bình để kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng và kết nối Vành đai kinh tế với các tỉnh phía Nam, mạng cao tốc trong cả nước cũng như hệ thống đường cao tốc ven biển Nam Trung Quốc.
 
Quy hoạch yêu cầu chú trọng phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng để tạo thành một dải vùng động lực. Điển hình như phát triển Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) với chức năng chính là Khu du lịch sinh thái biển-đảo chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phát triển Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng) thành một trong những trung tâm kinh tế giao thương quốc tế hiện đại của Vùng Bắc Bộ và cả nước, đồng thời là cửa mở ra biển chủ yếu của 2 hành lang, một vành đai kinh tế.
 
Khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh) sẽ trở thành khu trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn; thành phố Hải Phòng thành Trung tâm dịch vụ cảng và vận tải biển lớn, hiện đại, có vị thế đáng kể trong khu vực và thế giới; thành phố Hạ Long thành Trung tâm phát triển của Vành đai kinh tế. Lấy phát triển du lịch và dịch vụ làm trọng tâm để thúc đẩy các ngành khác và hạn chế dần khai thác than công nghiệp.
 
Tương tự, xây dựng thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, là điểm khởi đầu của Vành đai kinh tế. Đây sẽ là Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và là Trung tâm công nghiệp chế biến, chế tác và lắp ráp xuất khẩu.
 
Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ bản, then chốt, kết hợp với phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 18-19%. Tập trung nguồn lực và chính sách ưu đãi cho một số ngành như công nghiệp than, nhiệt điện, đóng tầu, cơ khí chế tạo... Cụ thể, về công nghiệp than, quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác than trái phép, đồng thời giảm dần xuất khẩu than. Đối với công nghiệp điện, đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào hoạt động các nhà máy Uông Bí II, Cẩm Phả I, II.
 
Tiếp tục nâng cấp và mở rộng các nhà máy đóng tàu Phà Rừng-Bạch Đằng, Nam Triệu. Hoàn thiện Khu công nghiệp đóng tàu Cái Lân, nhà máy đóng tàu Hạ Long nhằm đáp ứng từ 80-85% nhu cầu sửa chữa tầu sông của Vùng Bắc Bộ và 40-50% nhu cầu đóng mới, sửa chữa của cả nước. Bên cạnh việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, Vành đai kinh tế chú trọng phát triển du lịch nhanh và bền vững, đến năm 2010, thu hút khoảng 7,5 triệu lượt khách du lịch.
 
Về thương mại dịch vụ, phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên vành đai kinh tế tăng bình quân trên 20% (giai đoạn 2011-2020). Với lợi thế có chiều dài bờ biển, Vành đai kinh tế sẽ đẩy mạnh khai thác thủy hải sản xa bờ, nâng tỷ trọng đánh bắt xa bờ lên 65-70%. Xuất khẩu thủy sản vào năm 2010 đạt 600-700 triệu USD./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục