Còn nhiều bất cập

Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô còn nhiều bất cập

Bên cạnh những kết quả khả quan, việc cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô còn chậm; phát triển đô thị, KCN còn thiếu đồng bộ.
Ngày 6/9, Hội nghị Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội được tổ chức tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô đã đến dự và chỉ đạo hội nghị này.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô nhấn mạnh vùng Thủ đô có phạm vị rộng lớn, đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Quy hoạch và xây dựng vùng Thủ đô mang tính tổng hợp và ở đó có nhiều lĩnh vực, nhiều ngành cần thực hiện.

Những năm gần đây, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã đạt được kết quả khả quan, định hướng quy hoạch rõ nét hơn và được các tỉnh, thành, bộ, ngành quan tâm nghiên cứu, thực hiện nhiều hơn về vấn đề này.

Trong vùng có nhiều công trình, dự án, nhất là các dự án lớn về giao thông đã và đang được triển khai, đáp ứng nhu cầu của xã hội, của xu hướng phát triển vùng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng vùng Thủ đô, nhất là Hà Nội là Trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, kinh tế-xã hội... do đó cần tiếp tục đầu tư thật kỹ, khoa học để triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao hơn.

Cần đánh giá kỹ hiện trạng các địa phương trong vùng Thủ đô trước và sau 5 năm thực hiện quy hoạch vùng, cần có dự báo khả năng phát triển dựa trên các tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế quản lý thực hiện quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch.

Bộ Xây dựng và các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu kỹ đề xuất mô hình quản lý và cơ chế hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô cho biết ngày 5/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg Phê duyệt "Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050."

Theo đó, vùng Thủ đô Hà Nội gồm có tám tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình. Các tỉnh, thành quy hoạch có tổng diện tích 13.428 km2, dân số gần 13 triệu người, với đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội.

Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết mở rộng Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.444km2.

Để đảm bảo sự phát triển tương xứng trong vùng sau khi đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội được mở rộng, vùng Thủ đô được mở rộng thêm ba tỉnh là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang với tổng diện tích toàn vùng là 24.315km2 với quy mô dân số xấp xỉ 17,5 triệu người (2012), chiếm 19,1 dân số cả nước.

Sau một thời gian hoạt động của Ban chỉ đạo và thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng luôn duy trì ở mức cao và tương đối ổn định; Tổng sản phẩm GDP toàn vùng năm 2012 đạt khoảng 646.730 tỷ đồng, chiếm 21,72% so với cả nước; công tác quy hoạch và phát triển đô thị đạt nhiều kết quả tích cực, hệ thống đô thị được phát triển nhanh về quy mô và ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Toàn vùng hiện có 136 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa trên 30%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có bước phát triển nhanh, nhiều tuyến đường quan trọng, đường cao tốc được hình thành. Có một số công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ban Chỉ đạo đã cùng với các bộ, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng trong vùng nhằm đảm bảo tính kết nối, tính đồng bộ, hiện đại...

Vĩnh Phúc được coi là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị Vĩnh Phúc gắn với vùng Thủ đô, tỉnh đã quy hoạch khu đô thị đại học Vĩnh Phúc rộng 2.000ha, hàng loạt khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu đô thị đã và đang hình thành phục vụ nhu cầu người dân và bộ mặt đô thị chung toàn vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô vẫn còn có những hạn chế, bất cập.

Đó là việc cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô còn chậm, còn thiếu nhiều quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; Phát triển đô thị, khu công nghiệp vẫn còn thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; mô hình đô thị khu công nghiệp còn thiếu tính bền vững và chậm về tiến độ. Công tác phát triển nhà ở mới chú trọng phát triển nhà ở thương mại chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội.

Những khó khăn nêu trên có thể nói có những nguyên nhân xuất phát từ hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, cơ chế đảm bảo quản lý và đầu tư xây dựng và thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Mặt khác, việc phân phối các nguồn lực đầu tư chưa hợp lý, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đất nước khó khăn...

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo tập trung nghiên cứu và sớm hoàn thiện việc lập, thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng vùng; Tập trung quản lý phát triển đô thị, khu công nghiệp theo quy hoạch, khắc phục tình trạng manh mún, tự phát, phong trào, thiếu quy hoạch, thiếu tính đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực như thời gian qua; Đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội.../.

Nguyễn Trọng Lịch (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục