Quỹ tiết kiệm nhà ở, thêm cơ hội cho người nghèo!

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Xây dựng, chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về nhà ở và phát triển thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ: “Dù khó khăn đến mấy về kinh tế, nhưng ở Việt Nam, người dân vẫn tìm mọi cách để mua và sở hữu cho được một căn hộ."

Theo Thứ trưởng "đã đến lúc, chúng ta cần hình thành và phát triển các định chế tài chính như quỹ tái thế chấp bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở để từ đó tạo thêm nguồn lực, thêm cơ hội có nhà ở cho người dân.”
Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Xây dựng, chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về nhà ở và phát triển thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ: “Dù khó khăn đến mấy về kinh tế, nhưng ở Việt Nam, người dân vẫn tìm mọi cách để mua và sở hữu cho được một căn hộ."

Theo Thứ trường "đã đến lúc, chúng ta cần hình thành và phát triển các định chế tài chính như quỹ tái thế chấp bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở để từ đó tạo thêm nguồn lực, thêm cơ hội có nhà ở cho người dân.”

Còn xa lạ với chuyện thuê nhà

Khái niệm thuê nhà để ở còn khá xa lạ đối với người dân Việt Nam. Trong khi ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, việc thuê hoặc thuê mua nhà ở đang trở thành xu hướng chung, chiếm tỷ lệ từ 50-60% trong dân số.

Hiện tại, ở Việt Nam, tỷ lệ thuê nhà mới chỉ chiếm 15% tại khu vực thành thị và chưa tới 1% ở khu vực nông thôn và điều đó đồng nghĩa phân khúc này vẫn còn tiềm năng rất lớn cần được khai thác.

Tổng hợp báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy hiện khoảng 7 triệu người tại các khu đô thị đang có nhu cầu thuê và thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích xấp xỉ 150 triệu m2, tương ứng với việc đầu tư xây dựng từ 300.000-400.000 tỷ đồng song vẫn chỉ như muối bỏ bể, khi nhu cầu về chỗ ở, về môi trường sống đủ tiện nghi và đáp ứng các điều kiện sinh hoạt của người dân tại các khu đô thị đang ngày càng trở nên bức thiết.

Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho nhà ở thu nhập thấp như không thu tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi nhưng quyết định mua và sở hữu nhà ở đối với người lao động thu nhập thấp tại nhiều khu đô thị vẫn còn rất khó khăn.

Việc thuê và sở hữu nhà ở xã hội đang được đặt trong mối tương quan giữa thu nhập, tiền lương và việc làm. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, mức thu nhập bình quân từ 20-25 triệu đồng/năm như ở Hà Nội sẽ rất khó tiếp cận được một căn hộ khoảng 50m2 mà theo dự toán có giá từ 400-500 triệu đồng.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chính thức khẳng định: “Tại thời điểm này, chưa có bất kỳ căn hộ dành cho người thu nhập thấp nào được bán ra thị trường. Và với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, người lao động đủ tiêu chuẩn xét vào diện thu nhập thấp và được mua nhà ở theo quy định. Tuy nhiên, nếu chỉ trông vào thu nhập lương đơn thuần từ 2-3 triệu đồng/tháng, chắc chắn sẽ không thể mua được nhà ở, dù là nhà ở xã hội.”

Tốt cho cả cung và cầu bất động sản

Quan điểm xã hội hóa quỹ tiết kiệm nhà ở đã được bàn thảo từ lâu và nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn và dư luận xã hội. Đây thực sự là việc làm cần thiết, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đồng thời giảm sự lệ thuộc vào ngành ngân hàng. Nếu mỗi người có thể chỉ đóng góp 1% thu nhập hàng tháng của mình và tích lũy trong suốt thời gian công tác sẽ tạo ra một nguồn lực rất lớn và hữu ích đối với mọi thành viên trong xã hội.

“Khi được vay tiền từ quỹ tiết kiệm với lãi suất 3-4%/năm, cộng với nguồn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách thì mơ ước về một nơi an cư, lạc nghiệp đối với người chưa có nhà ở, nhất là người nghèo là hoàn toàn có thể thực hiện được,” Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết. Điển hình như quỹ tiết kiệm nhà ở của Hàn Quốc, chỉ với hơn 20 tỷ USD đã giúp ích rất nhiều người nghèo được vay tiền để mua nhà, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn để xây dựng.

Theo tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ rất hữu ích cho cả bên cung và bên cầu trong kinh doanh bất động sản. Đã có nhiều nước như Singapore, Trung Quốc triển khai rất tốt mô hình này với tên gọi là quỹ công tích.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa rốt ráo xây dựng những định chế tài chính tương tự và hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về đối tượng áp dụng, mức độ đóng góp, thời gian hay các quy định khác có liên quan.

Với quỹ tiết kiệm nhà ở, Việt Nam sẽ có thêm công cụ để hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản, góp phần điều tiết giá cả đồng thời đảm bảo nguồn tài chính và các ưu đãi sẽ đến được tận tay người tiêu dùng./.

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục