Quy trình hôn nhân sẽ là “áo giáp” cho cô dâu Việt

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết "Dự án quy trình hôn nhân" hiện đang được thí điểm sẽ biện pháp bảo vệ  quyền lợi cô dâu Việt.
Vụ việc cô dâu người Việt Hoàng Thị Nam bị chồng Hàn Quốc Lim Chae Won sát hại hôm 24/5 như hồi chuông cảnh báo xót xa cho những cô gái liều lĩnh đánh bạc đời mình, "nhắm mắt đưa chân" vào kịch bản hôn nhân không tình yêu nơi xứ người. Ôm giấc mộng đổi đời lấy chồng ngoại, vì lợi nhuận kinh tế, không có sự hiểu biết về người chồng tương lai… số phận của đại đa số cô dâu Việt mong manh như đèn dầu trước bão bởi những bi kịch gia đình do xung đột văn hóa, bạo hành, thậm chí cái chết. Cũng như cái chết của cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc bởi chồng tâm thần ở Pusan cách đây một năm, sau vụ cô dâu Việt Hoàng Thị Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã gửi điện chia buồn và tổ chức quyên góp hỗ trợ cho gia đình nạn nhân. Hội Hàn kiều Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp mặt, chia buồn và trao 3.000 USD làm kinh phí cùng vé máy bay giúp đỡ gia đình nạn nhân sang Hàn Quốc lo chuyện hậu sự ngay tối 25/5. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc nói chuyện với Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xung quanh vấn đề này. - Trước tin thảm họa cô dâu Việt Hoàng Thị Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có những động thái nào để tác động, can thiệp bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân cũng như phụ nữ Việt đang làm dâu ngoại quốc?Bà Nguyễn Thị Kim Thúy: Sau khi vụ việc xảy ra, ngay lập tức Hội có thư tới Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và văn bản sang Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đưa ra quan điểm của Hội. Từ vụ việc này, Hội yêu cầu phía chính  phủ Hàn Quốc lên kế hoạch tạo điều kiện quan tâm, bồi dưỡng để cô dâu Việt trong gia đình đa văn hóa hòa nhập với cuộc sống, ngôn ngữ và nếp sống nhà chồng. Khi xảy ra xung đột văn hóa, các cô dâu Việt có kỹ năng để giải tỏa, bảo vệ được bản thân mình và xây dựng được hạnh phúc gia đình bền vững. Theo đó, các thành viên trong gia đình có cô dâu ngoại cũng phải được hướng dẫn kỹ năng để khi có sự va chạm, họ có sự bao dung, chia sẻ. Hội cũng đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc xử lý nghiêm khắc đối tượng gây ra thảm họa và có những hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân cũng như quyền lợi cho đứa con mới 19 ngày tuổi. Sau vụ việc này, chính phủ Hàn Quốc sẽ phải mở cuộc rà soát gắt gao, siết chặt những trung tâm dịch vụ môi giới kết hôn bất hợp pháp. Ở Việt Nam, ngoài việc kiến nghị các ban ngành chức năng trong xã hội như Bộ Tư pháp, hoàn chính về hành lang pháp lý, Bộ Lao động Thương binh Xã hội hỗ trợ các chính sách tạo nghề, Bộ Công an rà soát các trung tâm môi giới dịch vụ bất hợp pháp... cùng bắt tay quyết liệt để có giải pháp đồng bộ. Theo chủ trương của Hội, sắp tới Hội sẽ xây dựng một Trung tâm vùng đa chức năng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, ưu tiên tam giác Cần Thơ - Sóc Trăng - Hậu Giang để  hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, tư vấn nhận thức, kiến thức về giới hỗ trợ cho phụ nữ, qua đó khai mở nhận thức để phục nữ có cái nhìn lạc quan, tich cực về con đường lập nghiệp bằng lao động và hạnh phúc nơi quê nhà. - Theo bà, nguyên nhân sâu xa nào khiến số phụ nữ Việt Nam "tay không" chấp thuận lấy chồng ngoại ngày càng tăng và hầu hết đều không có kết thúc có hậu?Bà Nguyễn Thị Kim Thúy: Qua hai vụ việc cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc giết hại, chúng tôi đã phân tích, nhận định tính chất hoàn toàn khác nhau. Nếu vụ cô dâu Hồng Ngọc năm 2010, hậu quả gây ra do người chồng bị tâm thần, thì vụ việc xảy ra  mới đây nguyên nhân sâu xa do xung đột văn hóa. Rủi ro cao từ những  trường hợp cô Việt lấy chồng nước ngoài phần lớn là bi kịch từ kịch bản hôn nhân không hoàn hảo. Cô dâu Việt nếu không vì tâm lý “sính” ngoại, đổi đời thì cũng do nghèo đói, thiếu hiểu biết và bị ép buộc bởi gia đình, có nhiều cô gái còn ngây ngô cho biết vì muốn… đi máy bay một lần. Bản thân những chú rể nước ngoài phải tìm vợ nơi đất khách cũng chẳng ngoài nguyên nhân họ bị “yếu thế.” Điều đáng tiếc còn lại sau những vụ việc đau lòng, cô dâu Việt lấy chồng sa xứ không có trang bị một cách cơ bản kỹ năng sống làm vợ, con dâu, công dân… trong gia đình đa văn hóa ở nước ngoài. Cô dâu người Việt nơi xứ người thân cô thế cô, lại không được trang bị đủ kỹ năng ứng xử để giải quyết và tháo gỡ xung đột. Các cô dâu vì những giấc mộng phù hoa, đã liều lĩnh đánh bạc số phận mà không hề mảy may lường trước những khó khăn về những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… Xin lấy một ý của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong hội nghị Hôn nhân Quốc tế gần đây về nguyên nhân sâu xa dẫ tới những thảm họa của cuộc hôn nhân cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc. Các cô Việt ra đi, giao phó tuổi xuân, hạnh phúc và tính mệnh với 4 không. Không hiểu biết về luật pháp, không hề biết về phong tục tập quán, không hề biết tiếng nói nước mình sẽ tới, không biết về hình hài, tuổi tác, tính cách ông chồng cũng như gia cảnh nhà chồng, và tịnh không có gợn chút tình yêu... - Tới đây, Hội có chương trình hành động cụ thể nào để trang bị từ "không" thành "có" để họ sẵn sàng và tự bảo vệ được mình cũng như hạnh phúc ở xứ người?

Hội được giao thành lập được 15 trung tâm hỡ trợ kết hôn và 3 trung tâm tư vấn pháp luật, có thực hiện thêm chức năng hỗ trợ kết hôn. Thời gian qua, hai trung tâm đã thực hiện thí điểm giới thiệu hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Từ quá trình thí điểm này, Hội đã đưa ra được một quy trình khá hợp lý, và hiệu quả có thể xem là một trong những giải pháp tháo gỡ cũng như cánh cứu thoát hiểm những bất cập, rủi ro mà cô dâu Việt khi lấy chồng ngoại quốc. Với những cô dâu Việt cương quyết lấy chồng ngoại quốc, Hội sẽ mở chiến dịch tuyên truyền, trang bị cho họ những kỹ năng cơ bản từ 4 không phải chuyển thành 5 biết. Ngoài kỹ năng ngôn ngữ, văn hóa, thông tin về chồng và gia cảnh nhà chồng, các cô dâu Việt sẽ được tuyên truyền củ thể thêm về những trường hợp hôn nhân ngoại quốc đã thành công và thất bại. Đó là trường học thực tế, để cô dâu Việt rút ra được bài học kinh nghiệm để tự mình bảo vệ sức khỏe cũng như nắm bắt được hạnh phúc dù mong manh nơi xứ người. - Xin bà nói rõ về Quy trình hôn nhân cũng như hoạt động của những Trung tâm hỗ trợ hôn nhân này? Bà Nguyễn Thị Kim Thúy:  Riêng trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu thành công hơn 200 cặp, trong đó  chỉ có 3 cặp không thành công. Ở phía Bắc, Hội đang thí điểm mô hình giới thiệu và hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài từ tháng 10/2010, đến nay giới thiệu thành công được 4 cặp ở Hải Dương. Theo dự án này, quy trinh hôn nhân bắt đầu từ khâu đưa việc thu thập, xác minh thông tin của đối tượng, hoàn cảnh gia đình, tiềm lực kinh tế của hai bên để giới thiệu qua hệ thống dữ liệu của Hội. Bước tiếp theo, Hội sẽ bố trí những cặp đã thống nhất về thong tin có cuộc gặp mặt, có phiên dịch để trao đổi, giao lưu. Nếu hai bên đồng ý, Hội sẽ tổ chức để chú rể về thăm gia đình cô dâu ở quê nhà. Khi được sự đồng ý của gia đình cô gái, Hội sẽ tiến hành lễ dạm ngõ, đính hôn. Theo dự án này, chú rể sẽ đưa chi phí 1.000 USD để mua lễ vật và chi phí đình hôn. Sau thủ tục này, chú rể hàn Quốc sẽ về nước, còn cô dâu sẽ được tham gia lớp học tập huấn, đào tạo cơ bản của Hội trong hai tháng. Cô dâu được dạy về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực Hàn Quốc và Việt Nam và trang bị kiến thức cơ bản về luật pháp của hai nước. Nếu trước đây, việc chứng nhận sức khỏe được diễn ra đơn phương, thì hiện nay, trong qui trình của Hội, chú rể Hàn Quốc và cô dâu người Việt được khám sức khỏe ở Việt Nam như một thủ tục không thể thiếu. Sau khi đăng ký kết hôn, chú rể hàn Quốc sẽ có cuộc phóng vấn, kiểm tra một lần nữa tại Sở Tư pháp. Qua vụ việc này, Hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa nội dung giáo dục định hướng để cô dâu Việt không làm méo mó hình ảnh phụ nữ Việt Nam. Trang bị sâu hơn kỹ năng sống để cô dâu Việt không bị lúng túng, sốc khi có xung đột. Theo dự án, sau khi cô dâu Việt về nhà chồng, Hội còn hợp tác với cơ sở bên Hàn Quốc quản lý sau hôn nhân. Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc tại địa phương ấy cùng chính quyền tiếp tục tập huấn miễn phí cho cô dâu Việt và người chồng về ngôn ngữ, văn hóa tập quán, kỹ năng sống. Những cô dâu Việt trong cùng một khu vực sẽ có liên kết với nhau thành một cộng đồng, được cung cấp số điện thoại nóng mỗi khi cần giúp đỡ. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị, nếu theo quy trình hôn nhân của dự án này, sau mỗi khóa đào tạo, các cô dâu Việt sẽ được cấp Chứng chỉ về đào tạo hôn nhân để họ có một hành trang pháp lý, có ý nghĩa như chiếc "áo giáp” tinh thần, để cô dâu Việt tự tin hơn và được nhà chồng công nhận và tôn trọng. - Hội gặp những khó khăn gì trong việc thí điểm cũng như quảng bá, áp dụng vào thực tế Quy trình hôn nhân và hoạt động Trung tâm hỗ trợ, tư vấn pháp luật? Bà Nguyễn Thị Kim Thúy: Quy định Ghi chú kết hôn ở Nghị định 69 là một kẽ hở, chấp nhận những trường hợp đăng ký kết hôn vắng mặt cô dâu Việt tại Hàn Quốc, về Việt Nam chỉ phỏng vấn và làm thủ tục “cho có”. Chúng tôi đang kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, thắt chặt hơn. Ban đầu Hội rất e dè, vì nếu can thiệp sẽ phải đương đầu với búa rừu dư luận rằng “bày đường kiến leo,” đẩy” phụ nữ Việt lấy chồng xa sứ... Nhưng xác định đây là nhu cầu có thật, ngày càng gia tăng, vi phạm pháp luật để lại những thảm họa đau lòng, thua thiệt của phụ nữ Việt nơi xứ người. Nhưng xác định, một trong những nguyên nhân đưa đến vấn nạn xã hội này, một phần do tâm lý, thiếu hiểu biết và sự "mối lái" của những trung tâm dịch vụ môi giới hoạt động trái phép...Hội qyết định sẽ vào cuộc để gỡ gạc, tìm ra giải pháp bảo vệ quyền lợi của cô dâu Việt. Tuy nhiên, việc thí điểm Quy trình hôn nhân và hoạt động trung tâm có những hiệu quả khả quan, nhưng lập trường của Hội sẽ quảng bá, áp dụng theo chiều sâu, đến những đối tượng và địa bàn có nhu cầu, không quảng bá rộng rãi. Hội sẽ phân loại, đánh giá địa bàn, những khu vực phụ nữ Việt Nam có “tập tính” thích lấy chồng nước ngoài để cảnh báo cho họ những khó khăn và rủi ro khi “nhắm mắt đưa chân” hạnh phúc, số phận mình.
Từ 2008 đến 2010, Bộ tư pháp đã chấp nhận thủ tục cho 294.280 phụ nữ kết hôn với chồng nước ngoài.

Theo thống kê cho thấy có tới 99% cô dâu Việt lấy chồng Hàn qua các công ty môi giới mà không có quyền lựa chọn, tìm hiểu.

Đặng Thị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục