Quyền lợi người gửi tiền trong quá trình tái cơ cấu được đảm bảo

Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Quyền lợi người gửi tiền trong quá trình tái cơ cấu được đảm bảo ảnh 1DongA Bank là một trong những ngân hàng sẽ phải tái cơ cấu lại trong giai đoạn này. (Nguồn: DongA Bank)

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đang trong quá trình hoàn thiện. Mục tiêu của đề án là xác định các tồn tại, yếu kém của hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng phụ trách, Ngân hàng Nhà nước cho biết điểm cốt lõi của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là đảm bảo quyền lợi của khách hàng để người dân yên tâm gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

- Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã và đang xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Xin ông cho biết khái quát về Đề án này?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Trên cơ sở các kết quả đã đạt được của quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu trong giai đoạn vừa qua, cũng như việc phân tích, xác định các tồn tại, yếu kém của hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã xác định cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2017. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.

- Vậy mục tiêu của công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu trong năm 2017 là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưng:
Ngân hàng Nhà nước đã xác định mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong năm 2017 như sau: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững và tiếp tục nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trật tự, kỷ cương đi đôi với việc tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của tổ chức tín dụng (nhất là tổ chức tín dụng yếu kém) theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng tổ chức tín dụng và phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ).

- Ông có thể cho biết rõ hơn về các đối tượng tái cơ cấu trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Đối tượng cơ cấu lại trong thời gian tới bao gồm tất cả các tổ chức tín dụng, trong đó có cả các ngân hàng thương mại mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng). Về nguyên tắc là đảm bảo ổn định hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Theo đó, các tổ chức tín dụng phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại. Riêng đối với các ngân hàng thương mại mua bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước đã có Đề án riêng trình Chính phủ, Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp cũng sẽ được chia thành các nhóm giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo từng loại hình, bao gồm: Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính; nhóm tổ chức tín dụng nước ngoài; ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô.

Trong mỗi nhóm đều có các giải pháp cơ cấu lại đối với các tổ chức tín dụng lành mạnh và tổ chức tín dụng yếu kém.

- Mỗi khi có một ngân hàng nào phải tái cơ cấu lại, người gửi tiền tiền rất lo lắng, vậy nguyên tắc cốt lõi của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng được đưa ra như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Điều này đã được Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trước đây và cũng là nguyên tắc xuyên suốt trong những năm tới.

Theo đó, hình thức và biện pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng được áp dụng phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng tổ chức tín dụng và phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục