Quyền lực của EU đã chuyển từ Brussels về Berlin?

Sự dịch chuyển quyền lực của Liên minh châu Âu, từ Brussels sang Berlin, đang được thể hiện rõ nét.
Quyền lực của EU đã chuyển từ Brussels về Berlin? ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel trước tòa nhà Hạ viện Đức. (Nguồn: Reuters)

Trong khi những hệ quả từ cuộc khủng hoảng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn còn rơi rớt tại hầu hết các nước trong khối, Đức dường như nổi lên là nước có triển vọng tốt hơn hết. Cùng với tỷ lệ thất nghiệp thấp, sản lượng và doanh số xuất khẩu của nước này cao đến mức Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề nghị Đức nỗ lực hơn nữa để giúp đỡ các nước yếu kém hơn trong khối đồng tiền chung.

Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu - vừa tái thắng cử và sẽ đảm nhận nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ ba trong một chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội. Tỷ lệ ủng hộ đối với bà Merkel tăng cao đáng kể tại châu Âu, nơi phần lớn các nhà lãnh đạo đang khiến cử tri thất vọng còn các chính phủ đang lâm vào tình trạng bất ổn do khủng hoảng kinh tế, các biện pháp kinh tế khắc khổ, năng lực kém hoặc các vụ bê bối tham nhũng.

Trái lại, đảng của bà Merkel giành chiến thắng với gần như đại đa số phiếu tại cuộc bầu cử ở nước này hồi tháng Chín vừa qua, với 41,5% số phiếu ủng hộ. Đây là kết quả tốt nhất mà đảng này có được trong hơn 20 năm qua.

Phong thái điều hành thận trọng chắc chắn của "người đàn bà quyền lực" này được người Đức đánh giá cao. Thực tế cho thấy bà hiếm khi vội vàng khi đưa ra một quyết định. Một tấm biển quảng cáo khá lớn gần tòa nhà chính phủ ở thủ đô Berlin thậm chí không có ảnh, mà chỉ là chữ ký viết tay của bà. Điều này cho thấy bà nổi tiếng và được lòng dân tới mức nào khi tất cả người dân Đức cảm thấy cần hành động để giữ được "Mutti" (tên gọi thân mật của Merkel) tiếp tục tại nhiệm.

Khẩu hiệu vận động bầu cử của bà cũng rất đơn giản: "Nước Đức đang làm tốt" ngụ ý rằng với việc bà tái thắng cử, nước Đức sẽ còn làm tốt hơn, "một chỗ dựa cho sự ổn định" tại một châu Âu đang chao đảo - nơi nhiều quốc gia đã phải xin cứu trợ hòng vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành.

Sự thành công của bà Merkel đối với các cử tri còn dựa trên cách tiếp cận đã được thử nghiệm và đã được chứng minh có hiệu quả đối với chính sách của châu Âu: chỉ hành động khi cần thiết và không bao giờ hành động trước.

Trong năm 2013, chính phủ trung hữu của bà tiếp tục "lên lớp" về các biện pháp cải cách cơ cấu và yêu cầu các nước "giải các bài tập" của riêng họ. Và chính phủ liên minh của bà với đảng Dân chủ Xã hội hiện nay cũng sẽ không đi trệch khỏi đường hướng đó. Chương trình của chính phủ liên minh này được nhất trí sau gần 2 tháng thương lượng cũng đã có những cam kết tương tự: "nhiều gậy hơn cà rốt", có sự giám sát, có các biện pháp kiểm soát đi đôi với một chút "đoàn kết" với các thành viên trong khối các nước dùng đồng tiền chung euro.

Cách tiếp cận này đã chi phối các quyết sách quan trọng của Brussels về đồng euro. Với việc Đức phải đóng góp một phần lớn cho các khoản cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU), những người đóng thuế tại Đức đã và sẽ tiếp tục giữ vị trí quan trọng đối với tất cả các quyết sách về đồng euro.

Các cuộc biểu tình ở khu vực Nam Âu phản đối việc "áp đặt các biện pháp khắc khổ" của Đức đã tạo ra một số thay đổi bề ngoài đối với chính sách của bà Merkel. Bà trở nên năng động hơn trong vấn đề việc làm cho thanh niên, tổ chức các hội nghị cấp cao mini về vấn đề này tại Berlin. Ngân hàng phát triển Đức cũng đã trao cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha những khoản cho vay song phương để giúp các doanh nghiệp nhỏ.

Song vấn đề được nhấn mạnh tiếp tục là "kỷ luật tài chính" đi đôi với việc giám sát tập trung. Sự thúc đẩy mới nhất của Chính phủ Đức là các "hợp đồng" ràng buộc, theo đó, các địa phương buộc phải tiến hành các biện pháp cải cách khó khăn để đổi lấy các khoản vay lãi suất thấp. Giới lãnh đạo kinh doanh của Đức cũng đã chứng tỏ quyền lực. Ủy ban EU đã phải bác bỏ một đề xuất nhằm hạn chế mức khí thải CO2 và trì hoãn việc thực hiện cho đến năm 2021 sau khi bộ trưởng Môi trường Đức bị thuyết phục bởi các nhà vận động hành lang của khu vực chế tạo ôtô.

Tác động của sự dịch chuyển quyền lực này còn được nhận thấy cả ở nước ngoài. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới thăm Berlin hồi tháng 5/2013 mà không hề ghé qua Brussels. Merkel tuyên bố bà ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp thương mại với EU về tấm pin Mặt Trời và một ủy ban gồm toàn những bộ mặt nhăn nhó (ám chỉ Ủy ban châu Âu) lại một lần nữa cúi đầu trước Berlin.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có chuyến thăm châu Âu lần thứ 2 kể từ sau khi lên nhậm chức. Ông cũng đã bỏ qua Brussels nhưng tới Berlin. Chuyến công du của ông đã bị phủ bóng đen bởi vụ bê bối nghe lén do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành.

Bà Merkel vẫn tỏ ra lịch sự nhã nhặn, và thậm chí còn nói đùa trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng bà không nghĩ rằng điện thoại của bà bị nghe lén. Song, chỉ vài tháng sau đó, lời nói đùa trên đã vận vào bà khi "kẻ thổi còi" Edward Snowden tiết lộ rằng có quan do thám Mỹ đã nghe lén các cuộc điện thoại của bà.

Một câu hỏi đã trở nên khá quen thuộc "Tôi có thể gọi cho ai khi tôi muốn hỏi về châu Âu?" vẫn chưa có câu trả lời. Tình hình EU hiện trở nên quá phức tạp. Song năm 2013 đã cho thấy cứ gọi tới Berlin (hoặc đặt máy nghe trộm các cuộc gọi của người đứng đầu chính phủ nước này) là cách tốt nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục