Quyền lực mềm của hai 'người khổng lồ' ở khu vực châu Á

Những mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Trung Quốc với Mỹ mang lại cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một cơ hội để tìm kiếm sự gắn kết tốt hơn với Ấn Độ.
Quyền lực mềm của hai 'người khổng lồ' ở khu vực châu Á ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Livemint)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, phấn chấn bởi 4 cuộc gặp thượng đỉnh và sự hình thành một cơ chế giao lưu nhân dân mới diễn ra liên tiếp trong một thời gian ngắn, quan hệ Trung-Ấn dường như đang trên một quỹ đạo đi lên. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, đây là thời điểm thích hợp để hai nước thúc đẩy việc lập lại mối quan hệ hữu nghị toàn diện.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp nhau 4 lần, trong đó có cuộc gặp đầu tiên là không chính thức, chỉ trong vòng hơn 8 tháng của năm ngoái.

Tiếp đó, vào tháng 12/2018, các bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập một "cơ chế cấp cao" để tăng cường trao đổi văn hóa và giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Trung Quốc và Ấn Độ coi cơ chế quyền lực mềm này là một "nền tảng xã hội" đầy tiềm năng cho mối quan hệ song phương. Có thể nhận thấy sự tăng cường đối thoại giữa các phương tiện truyền thông, sự gia tăng lượng khách du lịch và sự hợp tác giữa các bảo tàng.

Hai bên cũng đã ký một thỏa thuận để hợp tác sản xuất phim ảnh và các loại hình giải trí khác. Các con đường hợp tác mới tiềm năng bao gồm việc truyền bá các loại hình ngôn ngữ và võ thuật của Trung Quốc ở Ấn Độ, và các ngôn ngữ Ấn Độ và yoga tại Trung Quốc.

Cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Modi lần đầu tiên trong năm 2018 diễn ra tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 4 là một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức hiếm thấy. Nó đã giúp hai nước vượt qua nỗi đau của cuộc xung đột quân sự kéo dài tại Doklam hồi năm 2017. Và hai bên đã quyết định rằng một hội nghị thượng đỉnh không chính thức Trung-Ấn lần thứ hai sẽ được tổ chức trong năm 2019.

Cuộc gặp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 6/2018 tại Thanh Đảo (Trung Quốc) diễn ra đồng thời với việc Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau khi Trung Quốc thông qua đề xuất của Nga mời Ấn Độ tham gia.

Tiếp theo là cuộc gặp lần thứ ba bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi tháng 7 tại Nam Phi và một cuộc gặp khác trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11 ở Argentina.

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa ông Tập Cận Bình và ông Modi tạo điều kiện cho một loạt cuộc thảo luận song phương ở cấp chính thức. Vòng đàm phán thứ 21 giữa các Đại diện đặc biệt về tranh chấp biên giới đã được tổ chức vào cuối tháng 11/2018. Các bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Ấn Độ đã gặp nhau vào tháng 8 và quân đội hai nước đã nối lại một cuộc tập trận chung vào tháng 12 cùng năm.

Chính sách ngoại giao của ông Tập Cận Bình và ông Modi dường như hội tụ trên cơ sở những cân nhắc chiến lược hiện tại của họ. Những mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Trung Quốc với Mỹ mang lại cho ông Tập Cận Bình một cơ hội để tìm kiếm sự gắn kết tốt hơn với Ấn Độ.

['Ấn Độ không bị Trung Quốc bao vây bằng chiến lược chuỗi ngọc trai']

Mục tiêu chính của ông Tập Cận Bình là đảm bảo rằng New Delhi không có chung lý do với Washington để chống lại Bắc Kinh. Đối với ông Modi cũng vậy, những căng thẳng Trung-Mỹ đem đến một kiểu cơ hội khác để tận dụng đề nghị hợp tác của Trung Quốc, và có lẽ cả của chính quyền của Trump, với Ấn Độ.

Trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí xây dựng một "nền tảng xã hội" cho cam kết song phương, kết quả trong phạm vi hạn chế này sẽ phụ thuộc vào sức hút tương đối của các kỹ năng sức mạnh mềm tương ứng của họ. Ấn Độ tự hào về nền văn hóa đa dạng của mình, từ yoga và mỹ thuật đến điện ảnh hiện đại và khoa học máy tính. Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự độc nhất của họ trong các lĩnh vực như văn hóa Nho giáo, khoa học và phả hệ ngôn ngữ Trung Quốc. Cả hai bên cần tránh sự tính toán phản tác dụng về việc quốc gia nào sử dụng quyền lực mềm như một công cụ ngoại giao hiệu quả hơn.

Thách thức thực tế chủ yếu, trái ngược với một thách thức chiến lược, là Bắc Kinh và New Delhi có thể mất bao nhiêu thời gian và không gian để tiến tới việc tái thiết lập quan hệ khi Tập Cận Bình tập trung vào việc dẫn dắt Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường toàn cầu.

Trong tương lai gần, việc thiết lập lại quan hệ Trung-Mỹ (nếu điều đó xảy ra) và sự phức tạp chính trị của chính phủ tiếp theo ở Ấn Độ sẽ rất quan trọng đối với triển vọng mối quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh.

Một vấn đề khác trong thời gian tới là quan hệ đối tác trước đây của Ấn Độ với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu chung, như biến đổi khí hậu và thương mại thế giới, có thể chứng tỏ khó nắm bắt hơn. Cộng đồng quốc tế đang dần thay đổi quan điểm rằng Trung Quốc, không giống như Ấn Độ, là một quốc gia phát triển vì những mục tiêu thiết thực liên quan đến hai vấn đề trên.

Về lâu dài, Trung Quốc và Ấn Độ phải giải quyết không chỉ tranh chấp biên giới mà còn cả sự mất cân bằng cán cân thương mại song phương. Và họ phải tránh một cuộc tranh chấp xuyên biên giới tiềm năng liên quan đến việc chia sẻ nguồn nước của sông Brahmaputra (Yarlung Tsangpo).

Làm thế nào để có thể mang lại sự ổn định như vậy?

Nhiều người xem sự mất lòng tin rất lớn trong mối quan hệ Ấn-Trung, được "khích lệ" bởi lịch sử và cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, là một chướng ngại vật thực sự. Để tiến về phía trước, ít nhất cần thực hiện 3 bước.

Bên cạnh việc duy trì chính sách ngoại giao quyền lực mềm, cả hai nước phải thực hiện kỹ lưỡng các biện pháp xây dựng lòng tin hiện tại và tham gia các cuộc tập trận có mục đích và đối thoại thẳng thắn trong lĩnh vực quân sự.

Ấn Độ và Trung Quốc đang thể hiện chính sách ngoại giao quyền lực mềm mới nhất của họ như một thao tác kỹ năng bền bỉ, không mang tính thăm dò. Tuy nhiên, trái với thỏa thuận năm 2015, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa mở lãnh sự quán tại Chennai và Thành Đô để tạo thuận lợi cho các hoạt động giao lưu nhân dân.

Trong một diễn biến khác, Bắc Kinh đã phản đối chuyến thăm của Modi đến bang Arunachal Pradesh hôm 9/2, nói rằng Trung Quốc "chưa bao giờ công nhận" khu vực này là của Ấn Độ. New Delhi đã lập tức đáp lại rằng Trung Quốc đã được thông báo "nhiều lần" rằng Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời và không thể nhượng lại của Ấn Độ."

Hai trường hợp đó là dấu hiệu cho thấy những thách thức dai dẳng trong chính sách ngoại giao của Trung-Ấn, cả về quyền lực cứng lẫn mềm. Chỉ bằng cách giải quyết các thách thức, Trung Quốc và Ấn Độ mới có thể hy vọng đạt được một tạm ước tích cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục