Quyền trẻ em trong luật pháp quốc gia và quốc tế

Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ, tích cực trong việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
Ngày 3/1/2013, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức hội thảo “Quyền trẻ em trong luật pháp quốc gia và quốc tế.”

Hội thảo nhằm đánh giá tình hình thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam, cung cấp thông tin về quyền trẻ em trong pháp luật quốc gia và quốc tế, trên cơ sở đó phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em và giám sát thực hiện quyền trẻ em; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.

Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (năm 1990).

Theo đánh giá mới nhất của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc tại phiên họp thứ 60 vào tháng 6/2012, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, tích cực trong việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về trẻ em, cũng như những thành công trong công tác thực hiện quyền trẻ em.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập và phát triển, việc thực hiện quyền trẻ em và trao quyền cho trẻ em đang xuất hiện những vấn đề mới; hệ thống luật pháp về trẻ em bộc lộ những điểm không còn phù hợp với thực tiễn, có những nội dung cần điều chỉnh nhưng lại chậm được sửa đổi.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục Trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết quy định về quyền trẻ em ở Việt Nam cơ bản thống nhất với quy định quyền trẻ em trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) và được thể hiện ở nhiều luật khác.

Tuy nhiên, việc thực hiện, triển khai các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em còn nhiều bất cập như chưa thống nhất cách xác định độ tuổi trẻ em và vị thành niên; chế độ thẻ bảo hiểm y tế chưa phát huy hết tác dụng như trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để thanh toán những khoản thuốc không có trong danh mục được miễn giảm.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.

Ông Mai Hữu Thu, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng hiện nay, các hành vi vi phạm quyền trẻ em đang gia tăng mạnh nhưng lại thiếu các chế tài xử lý do các điều luật thiên về nguyên tắc mà ít nêu rõ những biện pháp cụ thể làm căn cứ xử lý. Do vậy, cần sửa luật theo hướng chi tiết hóa, hạn chế luật khung mà đi vào các điều cụ thể với các biện pháp thực hiện rõ ràng hơn./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục