Quyết định của ông Trump đang tạo lợi thế cho Pakistan?

Khi sự can thiệp của Washington giảm tới mức tối thiểu và quân đội Mỹ chỉ còn giữ vai trò bảo vệ con người và tài sản của Mỹ ở nước ngoài, lợi thế của Pakistan cũng sẽ suy giảm.
Quyết định của ông Trump đang tạo lợi thế cho Pakistan? ảnh 1Binh sỹ Pakistan tham gia một cuộc diễn tập tại Karachi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, quyết định của Tổng thống Donald Trump trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ về việc rút quân khỏi Afghanistan và Iraq là một trong những nỗ lực cuối cùng của ông để thực hiện cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra khoảng trống chính sách và làm phức tạp quá trình chuyển giao sang chính quyền của ông Joe Biden vào tháng 1/2021.

Thông báo của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller về việc giảm quân số Mỹ ở mỗi quốc gia này xuống còn 2.500 binh sỹ trước ngày 15/1/2021 (chỉ 5 ngày trước khi ông Joe Biden nhận nhiệm sở) đã tạo ra khoảng trống chính sách tại khu vực.

Ngày 18/12, ông Miller nói: “Chúng ta sẽ kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài một thế hệ này và đưa các binh sỹ của chúng ta về nước vào năm tới.”

Khép lại cuộc chiến năm 2001

Đây là cuộc chiến nhằm triệt phá Al-Qaeda, nhóm khủng bố đã thực hiện vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ, và Taliban - lực lượng đã bảo trợ cho Al-Qaeda. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.350 lính Mỹ và khiến hơn 20.000 người bị thương. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ đưa tất cả binh sỹ Mỹ về nước.

Lực lượng quân đội còn lại tại Afghanistan và Iraq sẽ có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan ngoại giao và các cơ quan khác của Mỹ.

[Sự thay đổi dễ nhận thấy trong chính sách của Mỹ đối với Nam Á]

Quan điểm của Trump nhận được sự nhất trí từ một số nhân vật lãnh đạo của đảng Dân chủ nhưng vấp phải sự phản đối từ đảng Cộng hòa và NATO.

Adam Smith - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, một thành viên của đảng Dân chủ, nói: “Việc giảm quy mô quân đội đồn trú ở Afghanistan xuống còn 2.500 binh sỹ là một quyết định chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình rút quân cần được tiến hành có trách nhiệm và cẩn thận để đảm bảo sự ổn định của khu vực.”

Ngược lại, hạ nghị sỹ Mac Thornberray, lãnh đạo phe Cộng hòa tại ủy ban này, lại lên tiếng cảnh báo ông Trump: “Việc tiếp tục rút quân đội Mỹ ra khỏi các khu vực khủng bố là một quyết định sai lầm. Việc này cũng sẽ làm tổn hại tới quá trình đàm phán ở Afghanistan. Taliban đã không làm gì, không đáp ứng bất kỳ một điều kiện nào đáng để cho Mỹ tiến hành cắt giảm quân số.”

Thỏa thuận hòa bình với Taliban được xem như điều kiện tiên quyết để Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, đến nay thỏa thuận này vẫn chưa được thực hiện và các nhóm khủng bố vẫn tiếp tục tiến hành các vụ tấn công ở Afghanistan.

Cái giá của việc rút quân

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định tại Brussels: “Cái giá của việc rút quân quá sớm hoặc rút quân một cách thiếu phối hợp sẽ rất cao”. Ông cảnh báo rằng Afghanistan có nguy cơ trở thành trung tâm khủng bố quốc tế khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang di chuyển tới đây để xây dựng lại “vương quốc Hồi giáo khủng bố mà tổ chức này đã bị mất ở Syria và Iraq.”

Mặc dù ông Biden đã cam kết sẽ kết thúc “những cuộc chiến tranh không có hồi kết ở Afghanistan và Trung Đông” và “tập trung nhiệm vụ vào Al-Qaeda và IS,” ông và nhóm tiếp quản quyền lực vẫn chưa có phản ứng gì đối với quyết định của Tổng thống Trump.

Quyết định của ông Trump đang tạo lợi thế cho Pakistan? ảnh 2Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (phải) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Pakistan Imran Khan đang ở thăm Kabul, ngày 19/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hành động của ông Trump sẽ khiến việc ra quyết định và thi hành trở nên khó khăn hơn vào thời điểm ông Biden tiếp quản Nhà Trắng. Và càng khó khăn hơn nữa khi ông Biden và nhóm tiếp quản không được tiếp cận báo cáo tình báo hàng ngày cũng như không được tiếp cận thông tin và các viên chức chính phủ.

Khi còn là Phó tổng thống, ông Biden đã hoài nghi về quyết định tăng quân tại Afghanistan của Tổng thống Obama. Quy mô quân đội Mỹ đã tăng từ khoảng 30.000 binh sỹ vào thời điểm ông Obama nhận nhiệm sở năm 2009 lên mức gần 100.000 binh sỹ chỉ trong vòng 1 năm do ông Obama muốn tiêu diệt tận gốc khủng bố trước khi tiến hành rút quân.

Lợi thế của Pakistan

Pakistan là một quốc gia quan trọng trong khu vực và đã trục lợi từ tất cả các bên. Sau vụ tấn công khủng bố của Al-Qaeda nhằm vào Mỹ năm 2001, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan do Taliban đã bảo vệ Al-Qaeda. Pakistan sau đó đã cung cấp nơi ẩn náu cho thủ lĩnh của Al-Qaeda là Osama Bin Laden. Pakistan đã được lợi từ cuộc xâm lược của Mỹ.

Ngày 19/11 vừa qua, chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố cắt giảm hiện diện quân sự ở Afghanistan, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã thăm Kabul lần đầu tiên - chuyến thăm được Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đánh giá là “chuyến thăm lịch sử.”

Tuy nhiên, theo giới truyền thông, ông Khan không bình luận gì về việc rút quân của Mỹ.

Chính quyền Kabul do Mỹ hỗ trợ đã từng nghi ngờ và lên tiếng chỉ trích việc Pakistan hậu thuẫn cho Taliban. Tuy nhiên, hiện nay ông Ghani đang có thái độ hòa giải với Islamabad. Chính Islamabad đã xúc tiến quá trình đàm phán hòa bình giữa Taliban và Mỹ mà Chính quyền Kabul có sự tham gia trên danh nghĩa.

Với vai trò là người bảo trợ của Taliban, Islamabad sẽ có nhiều ảnh hưởng trực tiếp hơn nữa lên Kabul sau khi Mỹ giảm dần việc can thiệp ở Afghanistan.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh khác, khi sự can thiệp của Washington giảm tới mức tối thiểu và quân đội Mỹ chỉ còn giữ vai trò bảo vệ con người và tài sản của Mỹ ở nước ngoài, lợi thế của Pakistan cũng sẽ suy giảm do binh lính Mỹ không còn là mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố xuyên biên giới gây ra bởi các lực lượng do Islamabad bảo trợ.

Do vậy, Mỹ sẽ không cần phải coi trọng Pakistan. Islamabad cũng không thể gây ảnh hưởng thông qua việc sử dụng vấn đề Taliban trong chính sách đối ngoại được nữa.

Hiểm họa đối với Pakistan và thế giới sẽ là sự trỗi dậy của IS ở Afghanistan do khoảng trống quyền lực tại đây. Nhóm IS thuộc tỉnh Khorasan luôn là một mối đe dọa đối với cả Afghanistan và Pakistan.

Islamabad sẽ cần phải kiềm chế nhóm này và các nhóm tương tự khác để tự bảo vệ mình. Pakistan cũng không được phép thỏa hiệp với các nhóm khủng bố do lo ngại phản ứng tiêu cực từ phía Mỹ.

Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phản đối nào từ phía các quan chức Lầu Năm Góc đối với quyết định rút quân của Tổng thống Trump./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục