Quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ hội

Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng vi phạm an toàn giao thông vẫn còn nhiều, khiến lực lượng chức năng khá vất vả.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan về việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, song tai nạn giao thông vẫn luôn là ẩn họa khó lường nếu lơ là, sơ xảy, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội Xuân diễn ra khắp nơi, lượng phương tiện lưu thông gia tăng. 

Vẫn còn vi phạm

Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho thấy trong dịp nghỉ Tết, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 28.800 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 22 xe ôtô và trên 7.500 xe môtô. 

Nếu như tại Hà Nội, tai nạn giao thông giảm cả ba mặt: số vụ (giảm ba vụ), số người chết (giảm một người), số người bị thương (giảm bốn người) thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn giao thông tăng cả ba mặt: tăng năm vụ, một người chết và tám người bị thương.

Đáng chú ý, trong những ngày nghỉ Tết, đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội và Đà Nẵng, cướp đi sinh mạng của bảy người, làm bị thương bốn người. Trong đó, vụ tai nạn xảy ra tại Đà Nẵng làm chết ba người, bị thương ba người; vụ tai nạn tại Hà Nội làm chết bốn người, bị thương một người. Cả hai vụ đều là tai nạn xe máy.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Tết năm nay, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao, chủ yếu là tai nạn xe môtô và xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn. 

Nguyên nhân là do người điều khiển xe máy chủ quan, bất cẩn, vi phạm quy tắc giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chở bốn người, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhất là trên đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã. 

Số vụ tai nạn giao thông đường sắt cũng tăng lên so với cùng kỳ năm trước, tăng: bốn vụ, hai người chết.

Mặc dù các cơ quan chức năng kiểm soát khá gắt gao, tuy nhiên tình trạng tăng giá vé ôtô quá mức quy định còn diễn ra, nhiều tuyến tăng từ 100%-150% giá vé; tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định còn phổ biến, một số tuyến quốc lộ còn xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài như đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và các tuyến ra, vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng bộ nhiều biện pháp

Tuy vi phạm vẫn còn, nhưng việc hoán đổi ngày làm việc để giảm áp lực giao thông cũng đã giảm bớt áp lực về tàu xe ngày Tết, giảm thiểu tai nạn.

Chủ trương nghỉ Tết Giáp Ngọ trước ba ngày của Chính phủ đã kéo giãn mật độ phương tiện lưu thông trên mọi nẻo đường, giảm áp lực vận tải hành khách và cũng nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định, thông suốt.

Trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hoạt động vận tải phục vụ Tết, các lực lượng công an, thanh tra giao thông và các doanh nghiệp vận tải đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, người dân ở các tỉnh bắt đầu quay trở lại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sau những ngày nghỉ Tết cùng gia đình.

Trên các tuyến quốc lộ 1, 1B, 5, phương tiện lưu thông khá dày; tại các bến xe, xe khách liên tục nối đuôi nhau vào bến trả khách song không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, xe về bến có đủ chỗ đỗ.

Mặt khác, trong cả chín ngày nghỉ Tết, kể cả các ngày cao điểm trước và sau Tết, cả nước không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách và xe tải gây ra.

Đây chính là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, thực hiện chủ đề Năm an toàn giao thông "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe."

Việc công khai 17 số điện thoại đường dây nóng bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã mang lại hiệu quả tích cực.

Đây là năm thứ hai, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông dịp Tết và đã nhận được gần 800 lượt phản ánh, tập trung vào các ngày cao điểm từ 28-29/1 và từ ngày 3-5/2.

Nhiều trường hợp nhà xe tăng giá vé quá cao so với quy định, xe chở quá số người quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách được phản ánh đến đường dây nóng đã được chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ kinh doanh, san tải, nhiều nhà xe phải xin lỗi hành khách…

Tăng cường mùa lễ hội


Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết trong dịp này, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo Kế hoạch số 466/KH-UBATGTQG của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Dương lịch, Tết Quý Tỵ và lễ hội Xuân 2014.

Công an các địa phương sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, uống rượu bia điều khiển phương tiện; dừng, đỗ đón, trả khách không đúng quy định; người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm… Tập trung kiểm tra và xử phạt đối tượng lái xe khách, xe mô tô vi phạm; trọng tâm là tuyến quốc lộ 1, 3, 5, 51, 14, 18…

Cùng với đó, Sở giao thông vận tải các địa phương sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ôtô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé quá quy định, ôtô chở vượt số người quy định, áp dụng biện pháp tước phù hiệu xe hoặc tước giấy phép kinh doanh nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông và hoạt động vận tải khách qua số điện thoại đường dây nóng phục vụ Tết; tăng cường đôn đốc, kiểm tra an toàn giao thông tại các nhà ga, bến xe, bến tàu, bến đò; kiên quyết đình chỉ phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô, nhất là tuyến Bắc-Nam.

Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự sẽ ứng trực thường xuyên trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhất là các tuyến hướng về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các khu vực tổ chức lễ hội Xuân, có biện pháp điều tiết giao thông, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, kiên quyết không để ùn tắc giao thông kéo dài.

Các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông như đội mũ bảo hiểm, tuân thủ quy định tốc độ, không lái xe khi say rượu, xe mô tô, xe gắn máy không chở ba, bốn người… sẽ được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai để phòng tránh tai nạn xe môtô, xe khách, tai nạn đường ngang đường sắt...
Có thể nhận thấy những biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 được các cơ quan chức năng triển khai đã mang lại hiệu ứng hết sức tích cực./.



(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục