Quyết liệt tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, nếu Chính phủ cắt giảm 30% thủ tục hành chính, tỷ lệ vốn đầu tư xã hội có thể ở mức 40-41%.
Môi trường kinh doanh tốt bao hàm cả việc ổn định kinh tế vĩ mô đã được Thủ tướng xác nhận thông qua thông điệp đầu năm nay.

Thế nhưng, hậu khủng hoảng với nhiều áp lực, doanh nghiệp được dự báo sẽ phải đối mặt với chi phí gia tăng sau khủng hoảng hay là phải thích ứng tốt với các tác động từ thay đổi chính sách sau thời kỳ kích thích kinh tế.

Ứng phó chủ động

Trên góc độ kinh tế, ông Đặng Văn Thanh, chuyên gia cao cấp của Quốc hội cho rằng có thể dự báo năm nay chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có những biến động đáng kể.

Trước hết, nhiều chính sách mới có hiệu lực từ năm nay như khung giá đất tăng, có nơi tăng từ 20-30%; chính sách mới về đền bù, giải phóng mặt bằng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá bất động sản, tới chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí thuê văn phòng.

Chi phí về vốn của các doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể so với năm 2009 vì nhiều lý do, trong đó có việc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn chấm dứt, khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và các chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, phương thức huy động, cho vay của ngân hàng thương mại.

Bởi thế, chính sách tiền tệ rất cần sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời để không tạo ra những cơn “nấc” cho doanh nghiệp.

Ông Đặng Văn Thanh cho biết một số ưu đãi về thuế cũng không còn áp dụng trong năm nay, mức lương tối thiểu cho 4 vùng kinh tế cũng bắt đầu tăng sẽ khiến chi phí nhân công tăng mạnh.

Trong bối cảnh suy giảm và sau suy giảm kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại, chuyển hướng kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, mặt hàng mới và thị trường mới.

Không ít doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới cho phù hợp, đổi mới quản trị kinh doanh, do đó sẽ phát sinh không ít chi phí.

Một số mặt hàng tăng giá sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt ngành kinh tế khác và cả nền kinh tế như giá điện, giá than, giá nước sinh hoạt, giá vận tải, dịch vụ.

Những tác động do độ trễ của chính sách đã triển khai từ năm 2009, đặc biệt là nhiều khoản vốn của năm 2009 sẽ tiếp tục được giải ngân hoặc thực tế phát huy tác dụng trong năm nay có thể là nguyên nhân tăng giá, hoặc tác động đến chi tiêu của năm nay.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng lâu nay, chính sách đối phó với khủng hoảng của các doanh nghiệp vẫn là thụ động, chủ yếu là cắt giảm chi phí, cắt giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm.

Ông Nguyễn Đình Cung gợi ý cách ứng phó tích cực và hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp, phải là chủ động “đón đầu với cơ hội, chủ động đổi mới đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất; đổi mới cách thức quản lý; thay đổi ngành, nghề sang công nghệ cao hơn.

Cần “điểm cộng” cho cải thiện môi trường

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra phân tích, theo dự tính bước đầu, nếu Chính phủ thực hiện được cắt giảm 30% thủ tục hành chính, tỷ lệ tổng vốn đầu tư xã hội so với GDP có thể duy trì ở mức khoảng 40-41%, thấp hơn năm ngoái là 42,3% song vẫn đạt được mục tiêu tăng GDP là 6,5%.

Qua đó tạo điều kiện giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước, giảm bớt sức ép lên cân đối vĩ mô và nâng cao chất lượng tăng trưởng, ông Ngoạn nhấn mạnh.

Những nỗ lực này cũng sẽ làm giảm đáng kể chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp bù lại cho chi phí tăng thêm của doanh nghiệp trong năm nay khi hàng loạt những thay đổi chính sách về thuế, tiền lương, các gói kích thích kinh tế sẽ đẩy chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng khá mạnh.

Hơn thế, hiệu ứng lớn nhất từ cắt giảm thủ tục hành chính là việc tiếp cận với cơ hội kinh doanh được nhận định còn khó khăn trong bối cảnh hậu khủng hoảng. Cải cách thủ tục hành chính sẽ khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo đầu tư kinh doanh và giới doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn, kinh doanh mở rộng hơn, ông Cung nói.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm ngoái được công bố mới đây ghi nhận, có tới 61/63 tỉnh, thành phố có sự cải thiện về điểm số trong bảng xếp hạng.

Nhiều chỉ số như Chất lượng đào tạo lao động đóng góp lớn trong việc tăng điểm số cho các tỉnh, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí gia nhập thị trường, các chỉ số Tiếp cận đất đai và Sự ổn định trong sử dụng đất ghi nhận sự cải thiện.

Thế nhưng, chỉ số Tính minh bạch chiếm tới 20% trong số PCI, sau khi đạt được những bước tiến lớn các năm trước thì năm 2009 có sự đảo chiều đi xuống. Khả năng tiếp cận tài liệu kế hoạch của tỉnh và tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh có xu hướng giảm.

Theo hơn 50% doanh nghiệp được hỏi cho biết rằng cần phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu để có được hợp đồng với cơ quan Nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tính sáng tạo của tỉnh trong việc giải quyết những trở ngại khi quy định của trung ương chưa rõ ràng cũng thấp hơn năm 2008.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nhận xét đây là một kết quả khó giải thích trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Đình Cung lưu ý việc thực hiện chưa quyết liệt, việc biến quyết tâm, tuyên bố thành thực tế vẫn còn là một vấn đề. Bởi vậy, nhìn nhận năm nay là một năm “nhạy cảm” về kinh tế chính trị.

Ông cũng tiên liệu có thể có hai kịch bản về môi trường kinh doanh. Kịch bản thứ nhất là yêu cầu cấp bách tái cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng; hàng loạt các cải cách cơ bản sẽ được thực hiện.

Còn ở kịch bản thứ hai có thể sẽ có tâm lý chờ đợi, không có cải cách, thay đổi lớn; tư duy và ứng xử nhiệm kỳ ở các cấp chính quyền, nhất là ở địa phương; và tốc độ giải quyết các vấn đề có thể chậm hơn, thận trọng hơn.

Lựa chọn kịch bản nào trong số này để có “điểm cộng” cải thiện được môi trường kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào những người thực thi.

Khi những điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nhân lực chưa thể giải quyết ngay trong ngắn hạn, việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khắc phục chồng chéo và cải cách thể chế là những việc có thể làm ngay.

Những nỗ lực này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực tức thì để khai thác nguồn lực của doanh nghiệp và của nền kinh tế-vốn được coi là vẫn phát triển dưới mức tiềm năng, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục