Ra mắt Atlas loài thủy sinh quý hiếm ở Việt Nam

Tổng Cục Thủy sản Việt Nam vừa họp báo ra mắt cuốn Atlas các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.
Ở Việt Nam có khoảng 234 các loài thủy sinh có nguy cơ tuyệt chủng theo các cấp độ khác nhau gồm tuyệt chủng, tuyệt chủng ngoài thiên nhiên, rất nguy cấp, nguy cấp và sẽ nguy cấp.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo, ngày 4/6, trong buổi ra mắt cuốn Atlas các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam của Tổng Cục Thủy sản Việt Nam.

Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản, ngành thủy sản Việt Nam đã có đóng góp rất lớn trong nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua nguồn thủy sinh ở Việt Nam đã bị khai thác quá mức, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Việt Nam có khoảng 130.000 tàu thuyền khai thác thủy sản, việc giảm lượng tàu thuyền khai thác để bảo vệ nguồn lợi là một vấn đề rất khó khăn do ảnh hưởng kế sinh nhai của người dân. Chính vì vậy để bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm chỉ còn một cách là vừa bảo vệ, vừa tái tại nguồn thủy sản - đây là một biện pháp kiên quyết, ông Vĩnh nói.

Cũng tại buổi họp báo, phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 và Quy hoạch hệ thống khu bảo ồn vùng nước nội địa đến năm 2020 đã được Tổng Cục Thủy sản công bố.

Theo Quy hoạch khu bảo tồng biển, trong giai đoạn 2010-2015, hệ thống sẽ có 16 khu bảo tồn biển. Đối với nhưng khu bảo tồn biển hiện có như khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, Phú Quốc, Núi Chúa, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch; đồng thời xây dựng quy hoạch chi tiết 11 khu bảo tồn còn lại trong hệ thống.

Bên cạnh việc xây dựng và điều chỉnh 16 khu bảo tồn biển, trong giai đoạn trên cũng tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống các khu bảo tồn biển, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý các khu bảo tồn biển. Tiếp đó, giai đoạn 2016-2020 sẽ đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới.

Tổng vốn đầu tư dự kiến cho cả hai giai đoạn trên là 460 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương là 330 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương là 90 tỷ đồng, vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ là 40 tỷ đồng.

Cũng theo Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, 45 khu bảo tồn cũng được ban hành, trong đó có 16 khu bảo tồn cấp quốc gia và 29 khu bảo tồn cấp tỉnh. Việc triển khai quy hoạch được thực hiện 3 giai đoạn gồm 2008-2010 là 5 khu bảo tồn; 2011-2015 là 25 khu và giai đoạn 2016-2020 là 15 khu. Tổng kinh phí cho các giai đoạn này ước khoảng 85.000 triệu đồng.

Việc ban hành các quyết định phê quyệt Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn trên là một trong những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm từng bước phục hồi và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và mai sau, ông Vĩnh khẳng định./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục