Ra mắt bộ sách về phong trào công nhân quốc tế

Bộ sách "Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận" cung cấp hệ thống cuộc đấu tranh giai cấp công nhân quốc tế.
Trong các công trình nghiên cứu về phong trào công nhân quốc tế, bộ sách "Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận" (gồm 8 tập) của các nhà nghiên cứu lịch sử Xôviết, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản mới đây, được coi là bộ sách trình bày khái quát lịch sử phong trào công nhân quốc tế đầy đủ nhất tính cho đến nay.

Bộ sách ra đời trên cơ sở Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia thực hiện sự chỉ đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, từ năm 2002, tiến hành triển khai thẩm định, dịch, biên tập, xuất bản bộ sách này từ nguyên bản tiếng Nga, do Viện Mác-Lênin (Liên Xô trước đây) xuất bản năm 1985.

Tập I và II (xuất bản năm 2004), tập III (xuất bản năm 2009) của bộ sách được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản trên cơ sở bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva và Nhà xuất bản Sự thật hợp tác xuất bản các năm 1985, 1986 tại Mátxcơva. 5 tập còn lại (IV, V, VI, VII, VIII), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã tổ chức dịch, hiệu đính, tra cứu, biên tập, xuất bản từ năm 2002 đến nay mới hoàn thành.

Tập I của bộ sách đề cập về sự ra đời và sự hình thành của giai cấp công nhân, về những bước đi đầu tiên của phong trào công nhân trên con đường trở thành một lực lượng xã hội độc lập; tập II của bộ sách trình bày những điều kiện lịch sử của quá trình trưởng thành của giai cấp công nhân và phong trào công nhân trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn từ năm 1871 đến năm 1904; tập III của bộ sách nghiên cứu sự phát triển của phong trào công nhân quốc tế ở thời kỳ trước Cách mạng Tháng Mười 1917; tập IV đề cập thời kỳ diễn ra những sự kiện mang tầm thời đại.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã dẫn đến việc thiết lập chế độ xã hội mới ở nước Nga Xôviết - chế độ xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga và vai trò của V.I. Lenin đã làm chuyển biến phương hướng và tính chất của cách mạng trong giai đoạn phát triển tiếp theo; tập V của bộ sách đề cập thời kỳ sau cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại; tập VI của bộ sách nhiều tập này tập trung nghiên cứu sự phát triển của phong trào công nhân quốc tế ở thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ XX; tập VII đã bao quát toàn diện cuộc cải biến mang tính cách mạng trên toàn bộ các lĩnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, tư tưởng, đối nội, đối ngoại của giai cấp công nhân và phong trào công nhân ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh trong suốt giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu thập ký 1980; tập VIII ­ - tập cuối cùng của bộ sách, là tập nói về các lực lượng cách mạng của thời đại ngày nay…

Bộ sách "Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận" được những chuyên gia hàng đầu về tiếng Nga, am hiểu về lịch sử phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế như giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tấn Việt, Lê Xuân Tiềm, Đào Tấn Anh, Trịnh Trang…, dịch, hiệu đính cùng với sự biên tập công phu, xuất bản lần này là một cố gắng của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tìm hiểu một cách hệ thống cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào cộng sản quốc tế.

Mặc dù bộ sách được biên soạn và xuất bản cách đây gần 30 năm, một số luận điểm, nhận định đến nay tỏ ra không còn phù hợp vì thực tiễn lịch sử đã phát triển phong phú và phức tạp, song, xét về ý nghĩa khoa học, tính chuyên sâu, uyên bác, phương pháp nghiên cứu khoa học, tính lịch sử của các sự kiện, tính lôgíc của các vấn đề được trình bày một cách khoa học, đúng đắn trong bộ sách đã làm nên giá trị lịch sử, khoa học lâu bền của nó.

Với những bài học và kinh nghiệm được nêu trong bộ sách này là rất cần thiết và bổ ích trong việc kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, trong nghiên cứu và tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời giúp chúng ta những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá trình chống chủ nghĩa cơ hội, ngăn ngừa nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa./.

Phạm Ngọc Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục