Ra mắt cổng thông tin thúc đẩy việc làm của ngành dệt may châu Á

Các nội dung trên cổng thông tin dệt may châu Á được trình bày bằng tiếng Anh và 10 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Điều này nhằm hỗ trợ người dùng tại 10 nước sản xuất dệt may lớn nhất châu Á.
Cổng trung tâm thông tin dệt may châu Á (www.asiagarmenthub.net). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cổng trung tâm thông tin dệt may châu Á (www.asiagarmenthub.net). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với sự hợp tác giữa dự án Thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may tại các nước châu Á của GIZ (GIZ FABRIC) và dự án Việc làm bền vững trong chuỗi cung ứng dệt may châu Á của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Cổng trung tâm thông tin dệt may châu Á Asia Garment Hub (www.asiagarmenthub.net) vừa chính thức được ra mắt hôm nay, 24/8.

Đây là nền tảng tri thức số một cửa được xây dựng nhằm hỗ trợ các bên liên quan trong ngành dệt may có thêm thông tin, kiến thức để hỗ trợ thúc đẩy, triển khai các hoạt động liên quan tới phát triển bền vững và việc làm thỏa đáng trong toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may.

Cổng thông tin này sẽ giúp phổ biến, nhân rộng các thực hành tốt, thúc đẩy quan hệ đối tác, tạo điều kiện học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng hành động để các bên liên quan cùng giải quyết những thách thức trọng yếu của ngành dệt may.

Việc truy cập vào cổng thông tin hoàn toàn miễn phí.

Hiện nay 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực bao gồm: Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam. Do đó các nội dung trên cổng thông tin được trình bày bằng tiếng Anh và 10 ngôn ngữ khác gồm: Tiếng Việt, tiếng Bahasa, tiếng Bengali của Myanmar, tiếng Trung, tiếng Hindi, tiếng Khmer, tiếng Sinhala, tiếng Urdu để hỗ trợ người dùng nếu có bất cứ rào cản nào về ngôn ngữ.

[Doanh nghiệp dệt may kiến nghị các giải pháp gỡ khó trước đại dịch]

Cổng thông tin này hướng tới các nhà sản xuất, nhãn hàng, tổ chức công đoàn, tổ chức người sử dụng lao động, hiệp hội và các đối tác phát triển, cũng như các nhà báo, các nhà hoạch định chính sách và các cá nhân cùng mong muốn một tương lai bền vững hơn cho ngành dệt may.

Ra mắt cổng thông tin thúc đẩy việc làm của ngành dệt may châu Á ảnh 1Phần giới thiệu về Việt Nam trên Cổng trung tâm thông tin dệt may châu Á. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các tính năng chính của cổng trung tâm thông tin dệt may châu Á bao gồm: Thư viện tài nguyên toàn diện; bản đồ tương tác theo ngành; dữ liệu và thông tin theo từng quốc gia, cũng như quyền truy cập vào các khóa đào tạo, kiến thức chuyên môn và thảo luận trực tuyến.

Ông David Williams, Quản lý dự án Việc làm bền vững trong chuỗi cung ứng dệt may của ILO cho biết: “Khối lượng các thông tin sẵn có về ngành quá lớn có thể khiến chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Cổng trung tâm thông tin dệt may châu Á giúp giải quyết vấn đề này bằng cách tập hợp các kiến thức chuyên môn, thông tin chi tiết và các tài liệu liên quan đến ngành dệt may trên một nền tảng kỹ thuật số dễ sử dụng đối với người dùng."

Bà Alexandra Behns, Điều phối viên của GIZ FABRIC về Hợp tác khu vực chia sẻ thêm: “Châu Á là trái tim của ngành công nghiệp dệt may toàn cầu. Bằng cách tập hợp thông tin, kiến thức và chuyên môn, cổng trung tâm thông tin dệt may châu Á sẽ trở thành điểm đến ‘phổ biến’ về phát triển bền vững và các vấn đề quản trị chuỗi cung ứng trong ngành dệt may. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích tất cả các bên liên quan quan tâm truy cập trang web và tận dụng các nguồn thông tin được chia sẻ trên nền tảng này.”

Năm 2019, ngành dệt may ước tính sử dụng khoảng 65 triệu lao động ở châu Á-Thái Bình Dương, tương đương với 75% tổng số lao động trong lĩnh vực may mặc trên toàn thế giới. Hơn một nửa trong số lao động ngành dệt may ở châu Á và Thái Bình Dương (khoảng 35 triệu người) là phụ nữ. Ngành dệt may sử dụng 5,2% trong toàn bộ tổng số lao động nữ trong khu vực./.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 4,25% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Hiện nay hàng dệt may của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng mạnh so với con số 150 của năm 2016. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành dệt may Việt Nam đã nỗ lực, bứt phá tại các thị trường khác như: Trung Quốc, Nga, Campuchia, Indonesia, Thái Lan…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục