Ra mắt sách nghìn năm văn hiến Thăng Long

Chiều 27/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam, Nhà Xuất bản Văn hóa-Thông tin tổ chức công bố bộ sách “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long.”

Chiều 27/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam, Nhà Xuất bản Văn hóa-Thông tin tổ chức công bố bộ sách “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long.”
 
Bộ sách “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long” dày hơn 10.000 trang, chia thành 4 tập, nặng gần 25kg, có trên 5.000 bức ảnh, bản đồ, tranh vẽ (màu, đen trắng) minh họa. Bộ sách được chia làm 28 phần bao gồm các lĩnh vực: chính trị, địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội..., từ thời 8 triều vua Lý (215 năm từ năm 1010-1225) đến Nhà nước Việt Nam có Đảng lãnh đạo (65 năm - từ 1945 đến 2010).
 
Giáo sư Vũ Khiêu, Chủ tịch Hội đồng biên soạn Bộ sách cho biết, “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long” một phần nào phác họa được bức tranh toàn cảnh về văn hiến Thăng Long và trở thành một bộ sách có tính bách khoa để giúp độc giả tra cứu và thu nhận những kiến thức tối thiểu trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của Thủ đô ngày xưa và hôm nay.
 
Đây là một món quà rất ý nghĩa để chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội khi chỉ còn đúng 500 ngày nữa sự kiện này sẽ diễn ra.
 
Trân trọng và cảm kích trước công đức, tấm lòng của Hội đồng biên soạn cũng như 1.200 nhà khoa học làm nên tác phẩm đồ sộ này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định Bộ “Tổng tập Nghìn năm văn hiến” là một công trình văn hóa vô giá chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. “Đây là kho tàng tri thức cho hôm nay và hậu thế mai sau," ông Nghị đánh giá.
 
Ông Nguyễn Hoàng Điệp, Trưởng ban Thư ký Hội đồng biên soạn bộ sách cho biết, để bảo đảm tính chính xác, khoa học về các địa danh, di tích lịch sử, di sản văn hóa, quê hương, gia phả dòng họ, mộ chí của các danh nhân Thăng Long-Hà Nội, Ban Thư ký, Ban Biên tập cùng một số tác giả, cộng tác viên đã tổ chức gần 200 chuyến đi điền dã, khảo sát hàng nghìn địa điểm, địa danh để kiểm tra số liệu trong các phần đã viết về di tích lịch sử, di sản văn hóa.
 
Tổng số quãng đường đã đi điền dã, kiểm soát ấy cộng lại lên tới gần 30.000km./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục