Ra mắt Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 14/8, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp và ra mắt Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM.

Chiều 14/8, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp và ra mắt Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Văn Châu, Phó Chánh tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh làm Chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba Phó Chánh án gồm ông Quảng Đức Tuyên, Lý Khánh Hồng và Võ Văn Cường.

Ông Trương Hòa Bình cũng trao quyết định bổ nhiệm thẩm phán cao cấp cho 34 người, trong đó có 19 người là thẩm phán Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại là một số phó chánh án và chánh án của một số tỉnh, thành phía Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh các Thẩm phán cao cấp, nhất là các Thẩm phán giữ chức vụ lãnh đạo Tòa án Nhân dân Cấp cao, cần phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực thi công vụ; bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Các thẩm phán cao cấp cần tập trung trí tuệ, đoàn kết, thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Tòa án Nhân dân, góp phần xây dựng Tòa án Nhân dân Cấp cao trong sạch vững mạnh, xứng đáng là biểu tượng của công lý, là “chỗ dựa” của nhân dân, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Tòa án Nhân dân Cấp cao là cấp Tòa án được thành lập mới theo Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thẩm quyền tư pháp trên phạm vi nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Nhân dân Cấp cao bao gồm phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 23 tỉnh, thành phố phía Nam, từ Ninh Thuận trở vào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục