Rắc rối tranh thêu

Rắc rối về bức tranh thêu kỷ niệm 1.000 Thăng Long

Chủ nhân bức tranh hy vọng nó lập lỷ lục Guiness về bức tranh thêu lớn nhất với chiều cao 5m, dài 25m, nhưng đang gặp trở ngại.
Bức tranh thêu với chủ đề “Cố đô Hoa Lư - Một dấu tích lịch sử của Thăng Long - Hà Nội” do ý tưởng của chị Phạm Thị Hoài, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ thương mại Hoài Anh, tỉnh Ninh Bình, đã được khai kim.

Chủ nhân bức tranh này đang hy vọng nó sẽ lập lỷ lục Guiness bức tranh thêu lớn nhất với chiều cao 5m, chiều dài 25m. Để làm nên bức tranh đầy ấn tượng và táo bạo này, doanh nghiệp dự kiến đầu tư trên 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn ra không như ước muốn và gặp trở ngại.

Chị đã dày công tìm kiếm, nghiên cứu, tham khảo tài liệu, lấy ý kiến của nhiều chuyên gia sử học cũng như các nghệ nhân thêu suốt gần 1 năm qua. Một loạt công việc phải thực hiện như thiết kế, căn chỉnh, xử lý vi tính, hoàn thành việc thêu thử bức tranh trước khi thêu thật.

Vậy nhưng, theo như lời chị Hoài kể, bức tranh đang bị đình trệ, trong lúc thời gian không còn nhiều và ngày kỷ niệm cũng đến rất gần và rất có thể không thực thi nổi do có những rắc rối. Bảy tháng trước chị đã gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xin tài trợ và vay vốn để làm bức tranh này, trong đó có một ngân hàng trong tỉnh nhưng một vị lãnh đạo của ngân hàng này đã từ chối.

Sau khi thu thập kỹ tài liệu chị tiếp tục gặp vị lãnh đạo ngân hàng này trình bày ý tưởng, nhưng vẫn không được vay vốn và chị vẫn quyết tâm thực thi bức tranh. Ngày khai kim diễn ra chưa lâu, vị lãnh đạo này thẳng thừng tuyên bố: bức tranh do ý tưởng của mình và đề nghị chị Hoài cho đồng ý tưởng.

Chị Hoài bức xúc nói: vị này không hề có công lao gì trong việc này, nhưng khi dư luận xôn xao có khả năng bức tranh sẽ nổi tiếng, thu lợi kinh tế thì người này đã đưa cho tôi một văn bản đề nghị ký với nội dung cho đồng ý tưởng.

Ngoài ra, tại một cuộc làm việc giữa tôi và Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch, không hiểu vì sao vị lãnh đạo ngân hàng trên biết lịch đến ngay phòng làm việc nói thẳng là ý tưởng của mình. Làm về nghệ thuật văn hóa không thể có sự dối trá.

Việc đồng ý tưởng nhiều lúc cũng không quan trọng lắm, nhưng tôi không thể làm chung vì 2 người có tư tưởng và mục đích quá trái ngược nhau. Tôi luôn nghĩ làm thế nào để bức tranh ra đời phục vụ công chúng đúng dịp kỷ niệm thiêng liêng của đất nước, chứ không phải cho bức tranh ra đời để nổi tiếng và danh lợi.

Chị Phạm Thị Hoài, tốt nghiệp Khoa mỹ thuật thuộc trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (trước đây là Cao đẳng Nhạc họa Trung ương). Chị là người làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư - địa danh nổi tiếng về nghề thêu có truyền thống gần 700 năm.

Chị thấy sản phẩm tinh xảo do các nghệ nhân tài hoa nơi đây làm ra chưa được nhiều người biết tới, một phần do làng nghề mai một, công tác tiếp thị chưa bài bản nên người dân vùng này còn rất nghèo khó.

Chị Hoài mong muốn được giới thiệu đến đông đảo công chúng biết về nghệ thuật, cũng như nét đẹp của làng thêu. Chị đã chọn chủ đề tái hiện và lột tả “Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến” bằng cả sự tâm huyết và tình yêu quê hương đất nước.

Hiện nay bức tranh thêu này được đông đảo các nghệ nhân ở làng Văn Lâm đồng tình hưởng ứng. Nhiều người hàng tuần đi thêu mà không lấy công để hình thành bức tranh thêu thử. Họ đang miệt mài cả ngày lẫn đêm để kết tinh cho bức tranh xứng tầm.

Bức tranh thêu dự kiến làm trong 10 tháng, huy động 150 thợ thêu với khoảng 15.000 ngày công lao động, cần khoảng 170m vải lanh và 200kg chỉ thêu và dĩ nhiên khó khăn mà doanh nghiệp này phải đối mặt là vấn đề kinh tế.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã gặp gỡ, trao đổi với chủ ý tưởng và đồng ý cho xây dựng đề án, đảm bảo sự hợp lý về nghệ thuật cũng như ý nghĩa lịch sử và tiết kiệm; gợi ý cho chủ ý tưởng một số vấn đề phối cảnh trong bức tranh.

Mặc dù bức tranh đã tiến hành thêu, nhưng để đảm bảo sự hòa hợp và đề án có tính khả thi thì chủ ý tưởng cũng cần sớm hoàn thành báo cáo để thuyết trình.

Vấn đề ở đây không còn là chuyện ai làm, hết bao nhiêu tiền mà nếu tìm được sự đồng thuận, có định hướng, có chỉ đạo của các cơ quan chức năng chắc hẳn bức tranh thêu này sẽ hoàn hảo hơn và có tiếng vang hơn./.

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục