Rằm tháng Giêng, tấp nập người người đi chùa lễ Phật

Các đền, chùa, phủ tại Hà Nội hôm nay tấp nập người đến đi lễ; công tác tổ chức, quản lý tại các điểm di tích có nhiều chuyển biến, tạo niềm tin đối với các tín đồ, Phật tử cũng như du khách thập phương.

Dân gian có câu “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng.” Vì vậy, vào ngày rằm tháng Giêng người dân thường lên chùa lễ Phật, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình và mọi người.

Ghi nhận tại các đền, chùa, phủ tại Hà Nội, ngày rằm tháng Giêng năm nay, người dân đến lễ Phật, lễ Thánh rất đông. Công tác tổ chức, quản lý tại các điểm di tích có nhiều chuyển biến, tạo niềm tin đối với các tín đồ, Phật tử cũng như du khách thập phương.

Người người đi lễ

Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đến chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy để làm lễ. Khu Tam Bảo, nhà thờ Mẫu, nhà Tổ tấp nập người hành lễ, thành tâm cầu đức Phật ban phước trong năm mới.

Không chỉ đến cầu may, chùa Hà còn là địa chỉ tâm linh được nhiều bạn trẻ tìm đến cầu duyên. Nhất là tòa Tam Bảo, các khay đựng lễ phẩm, hương hoa được xếp chồng lên nhau tại ban thờ, không tránh khỏi sự lộn xộn. Tiền giọt dầu vẫn được nhiều người đặt tràn lên ban thờ, mặc dù hòm công đức đã được nhà chùa để ngay cạnh đó.

Những ngày đầu năm, Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, đã đông đúc, ngày rằm tháng Giêng, lượng người đến Phủ lại càng đông. Không chỉ người dân Hà Nội mà người dân các tỉnh, thành khác cũng tìm đến Phủ Tây Hồ chiêm bái, bởi nơi này được coi là một trong những điểm tâm linh lớn nhất Hà Nội.

Tại khu vực chính điện, người ta chen nhau đặt lễ Thánh, người nọ đứng sau người kia rì rầm khấn vái. Khu vực phía ngoài, các dịch vụ phục vụ hành lễ, ẩm thực, ấn phẩm văn hóa, trông giữ xe đều rất sôi động.

Tuy không đông bằng chùa Hà hay Phủ Tây Hồ nhưng đền Quán Thánh cũng thu hút nhiều người đến làm lễ. Mọi người khẩn cầu trước pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen, rồi xoa vào các ngón chân của tượng, thậm chí xoa xong còn vuốt lên mặt, lên người mình để cầu may. Tại đây, tiền giọt dầu cũng đặt lộn xộn trên đĩa, trên ban thờ, tạo hình ảnh chưa đẹp mắt.

Các đền, chùa khác trên địa bàn Hà Nội như Chùa Tảo Sách, Vạn Niên, Trấn Quốc (quận Tây Hồ), chùa Láng, Phúc Khánh (quận Đống Đa), chùa Một Cột, Kim Sơn, Châu Long (quận Ba Đình), chùa Quán Sứ, Báo Thiên (quận Hoàn Kiếm)… cũng thu hút lượng lớn các Phật tử và nhân dân đến lễ trong dịp rằm tháng Giêng. Ngày hôm nay, nhiều chùa cũng thực hiện khóa lễ dâng sao, giải hạn, do vậy không tránh khỏi tình trạng quá tải.

Công tác quản lý lễ, hội dần đi vào nền nếp

Những năm gần đây, Hà Nội luôn quan tâm tới công tác quản lý, tổ chức lễ hội với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để sinh hoạt văn hóa cộng đồng này luôn được duy trì theo hướng lành mạnh, văn minh. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, các phường, xã, thị trấn ở Thủ đô đều có văn bản chỉ đạo tổ chức, quản lý, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Chính vì vậy, hoạt động lễ hội đang có những chuyển biến tích cực, từ việc đặt hòm công đức, sắp xếp hàng quán, dịch vụ đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các loại hình dịch vụ trong lễ hội.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, nói: “Để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách đến lễ chùa Hà, Ủy ban Nhân dân phường giao lực lượng công an phân công từng người cụ thể, từng vị trí cụ thể, túc trực từ đêm Giao thừa. Khu vực chùa cũng lắp đặt hệ thống camera, khách đến lễ chùa được gửi đồ đạc miễn phí. Mặc dù lượng khách đến chùa Hà rất đông, nhưng tình hình an ninh trật tự, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường được bảo đảm."

Tại di tích Phủ Tây Hồ, việc thực hiện văn minh nơi thờ tự có chuyển biến đáng kể. Khách đến Phủ ít đốt vàng hương hơn, tiền vàng dâng lễ cũng ít hơn trước. Nếu mọi năm, tiền lẻ giắt ở các câu đối, góc bàn thờ nhiều thì dịp rằm tháng Giêng năm nay đã giảm nhiều. Các hiện tượng như hầu đồng, bói toán, xóc thẻ, ăn xin... hầu như không có.

Năm nay, công tác quy hoạch hàng quán tại đây đã trật tự, ngăn nắp, phân luồng giao thông hợp lý nên hiện tượng ùn tắc không xảy ra. Tuy vậy, theo ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ, từ ngày 30 Tết Nguyên đán đến rằm tháng Giêng tại Phủ Tây Hồ đã xảy ra tám trường hợp bị mất cắp; trong đó hai trường hợp mất ví đã được Công an phường trả lại cho người bị mất, sáu trường hợp giả danh nhà sư khất thực đã được mời đi nơi khác./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục