Rạng ngời bao ký ức về những ngày thu Cách mạng

67 năm đã qua đi nhưng ký ức về ngày độc lập của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tâm thức những người sống trong giờ phút lịch sử đó.
Rạng rỡ! Đó là ấn tượng sâu đậm lưu giữ trong chúng tôi về gương mặt hai người cựu chiến binh già khi nhớ về mùa thu lịch sử 1945. Đó cũng là cảm giác đọng lại sau câu chuyện với những nhân vật đã trực tiếp sống và trải nghiệm khí thế hào hùng của cả dân tộc ngày ấy.

67 năm qua đi, mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng những ký ức về ngày độc lập của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tâm thức Đại tá Trần Quang Thường, nguyên Cục trưởng Cục Xây dựng (thuộc Tổng cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng) và cựu quân nhân Vy Thị Nhung, nguyên cán bộ bệnh xá Quân khu I.

“Tổ quốc ta đây rồi!”

Trong căn phòng khách nhỏ giản dị tại tư gia ở 12B phố Lý Nam Đế (Hà Nội), ánh mắt rạng ngời niềm tự hào, Đại tá Trần Quang Thường xúc động ôn lại những ngày hòa mình vào không khí sục sôi của cả nước để có được ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khi ấy, người lính trẻ Trần Quang Thường tham gia Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với vai trò trung đội trưởng chỉ huy một cánh quân hoạt động ở khu vực núi rừng Yên Thế.

“Không cần kể chắc ai cũng hiểu cuộc sống, điều kiện chiến đấu của quân dân ta những năm ấy khó khăn đến nhường nào. Đơn vị của tôi lại hoạt động sâu trong rừng nên càng khó khăn trong việc cập nhật thông tin. Sau ngày Bắc Giang giành chính quyền, tôi mới hay lệnh Tổng khởi nghĩa đã được ban hành trong cả nước,” ông Thường chia sẻ.

Rung rung chòm râu bạc, người cựu chiến binh nhớ lại: Nếu không có buổi sáng ngày 19/8 chủ động tới căn cứ địa trước đây của quân ta ở Phồn Sương để tìm hiểu tình hình thì có lẽ, ông cũng chưa biết được thông tin quan trọng ấy. Ngỡ ngàng! Vui sướng!

“Nhiều anh em đã tếu táo đùa tôi rằng: đúng là người… rừng,” dõi đôi mắt nhòa lệ về phía  tấm ảnh chụp những người đồng đội treo trên tường, giọng nói mừng vui xen lẫn nghẹn ngào như đang sống lại những cảm xúc xưa, ông kể.

Cũng chính trong buổi sáng hôm đó, ông đã gặp một gã ăn mày đầu tóc rối bời, quần áo rách rưới, người mà về sau ông mới biết chính là đồng chí Phan Mỹ, thư ký riêng của đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đó.

Ông đã nhận từ người ăn mày một bức thư hỏa tốc là một mẩu giấy nhỏ cuộn tròn, kẹp vào một chiếc lông gà và để trên một quả ớt với nội dung: “Đã có lệnh tổng bộ khởi nghĩa, đồng chí theo đồng chí giao liên (ZT) về Thái Nguyên/ Ký tên: Văn [Bí danh của đồng chí Võ Nguyên Giáp - PV].”

Nhìn ánh mắt ngơ ngác của chúng tôi, ông cười - một nụ cười bao dung - rồi chậm rãi nói: “Chiếc lông gà và quả ớt là mật hiệu của thư hỏa tốc với ý thư đi nhanh như bay, bỏng như ớt.”

“Làm cách mạng chỉ có những nguyên tắc nằm lòng: tuyệt đối bí mật, tuyệt đối chính xác, tuyệt đối sẵn sàng. Chúng tôi lập tức lên đường bất kể đêm tối hay mưa gió; có những lúc chân như khuỵu xuống vì đường trơn hay vấp phải đá,” giọng ông như rắn rỏi, mạnh mẽ  hơn khi kể về cuộc hành quân ấy.

Người trung đội trưởng trẻ trung năm xưa giờ đã là một ông cụ ở ngưỡng tuổi 95 nhưng khẩu khí vẫn đầy hào sảng khi kể rằng: Hành quân tới được đường số 3, nhận tin nhiều địa phương trong cả nước đã giành chính quyền, cả trung đội không kìm chế được niềm sung sướng. Tất cả ôm chầm lấy nhau rồi… nằm lăn ra đường, hướng lên trời xanh hét vang: “Tổ quốc ta đây rồi!”

Ngày trọng đại 2/9/1945, không được có mặt trực tiếp ở quảng trường Ba Đình nhưng trong lòng những người chiến sỹ ấy vẫn ngời lên niềm tự hào đã góp phần công sức làm nên ngày lịch sử ấy của dân tộc.

Tiếp tục mạch câu chuyện, giọng trầm ngâm, ông Thường xúc động nhớ lại: “Cả mấy đại đội chúng tôi khi đó chỉ có chung nhau một chiếc đài radio cũ rích, loa rè rè, vỏ ngoài hoen gỉ vết thời gian. Tất cả như nín thở để cùng lắng nghe những thông tin được phát đi về buổi mít tinh lịch sử ấy.”

Không gian lặng phắc của ngôi nhà nhỏ cuối con ngõ như càng khiến giọng kể của người cựu binh vang vọng hơn.

Ký ức sáng thu xưa…

Những người ở xa một lòng hướng về Hà Nội ngày thu lịch sử ấy. Những người trực tiếp tham dự buổi míttinh ấy cũng lặng đi, vỡ òa trong niềm vui sướng mà không kìm nổi nước mắt.

Bà Vy Thị Nhung, người đã vinh dự được đại diện cầm cờ cho đội tuyên truyền giải phóng quân trong lễ duyệt binh sáng 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, đã nói như vậy khi hồi tưởng lại không khí của buổi sáng thu ấy.

Trong không gian thanh bình của những ngày thu này, thấy phố phường rợp bóng cờ hoa, lòng người cựu chiến binh lại rạo rực hồi tưởng lại không khí tưng bừng, phấn khởi của ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Cảm xúc ùa về, dâng trào xúc động…

“Buổi sáng hôm đó, từ rất sớm, hàng vạn người đã có mặt ở quảng trường Ba Đình. Áo trắng, cờ hoa phấp phới! Dường như ai cũng chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất trong ngày độc lập. Người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú cùng chung một cảm xúc,” nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt hằn in vết thời gian, bà xúc động kể.

Trong ký ức của bà, đó là một không gian vừa trang nghiêm vừa gần gũi, xúc động. Sau câu nói: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?” đầy trìu mến, chan chứa tình yêu thương của Bác, tất cả như vỡ òa.

“Mỗi câu nói của Bác vang lên, tôi thấy như có làn sóng rạo rực chạy dọc cơ thể. Xúc động! Nghẹn ngào!” một tay nắm chặt chiếc gậy, một tay đặt trước ngực, giọng bà run run.

Không giấu được niềm xúc động, bà chia sẻ: Cuộc đời bà đã trải qua nhiều bước thăng trầm, chứng kiến nhiều sự kiện được coi là bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, nhưng không điều gì để lại ấn tượng, sự xúc động sâu săc trong bà bằng câu nói đó của Bác cũng như không khí tưng bừng, phấn khởi của mùa thu ấy.

“Thật khó để tìm được ai không rơi lệ trong buổi lễ hôm đó. Những người quân nhân như chúng tôi đã thực sự phải kìm lòng để không khóc nấc lên, để giữ được tác phong trang nghiêm khi diễu binh qua lễ đài. Giây phút đó, tim tôi đập nhanh hơn, bàn tay nắm chặt,” bà bồi hồi nhớ lại.

Bà kể, có những cụ già lưng đã còng gập xuống vẫn cố ngước đôi mắt đẫm lệ về phía lễ đài, cố giơ cao đôi tay khẳng khiu, yếu ớt vẫy chào đoàn diễu binh.

“Mỗi độ thu về, tôi như được sống lại không khí hào hùng những ngày lịch sử ấy; thấy mình như được tiếp thêm một nguồn sức mạnh tinh thần mới,” nhấp ngụm trà để lắng sâu những xúc động bồi hồi, bà Nhung tâm sự.

Giữa những tất bật, lo toan của nhịp sống hôm nay, mỗi người có những cách thức riêng để lưu giữ cho mình những ký ức, nhưng tất cả đều gặp nhau ở vẻ rạng rỡ khi hồi tưởng lại mùa thu cách mạng. Vẻ rạng rỡ làm ngời sáng gương mặt những người cựu chiến binh già, xoáy vào lòng thế hệ trẻ niềm tự hào về quá khứ và vững tin vào tương lai./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục