Rau sạch về đâu?

Rau sạch Hà Nội - đi đâu về đâu?

Cho dù cung không đủ cầu, rau an toàn ở Hà Nội vẫn long đong tìm nơi tiêu thụ và nếu không tìm được đầu ra, rau sạch sẽ "chết".
Số phận rau an toàn ở Hà Nội thật long đong. Cho dù so với nhu cầu, rau sản xuất ra chưa đủ đáp ứng, nhưng người trồng rau vẫn phải méo mặt tìm nơi tiêu thụ và nếu không tìm được đầu ra, rau sạch sẽ "chết".

Rau an toàn khó tìm đầu ra

Hà Nội có tổng diện tích trồng rau khoảng 12.000ha, trong đó có 2.105ha sản xuất rau an toàn. Sản lượng rau an toàn làm ra mỗi năm mới chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu, nhưng việc tiêu thụ loại rau này lại rất chật vật. Tại nhiều vùng trồng rau an toàn, người trồng rau luôn khốn đốn tìm đầu ra.

Dự án trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, được quy hoạch từ năm 2003 với diện tích ban đầu 2,3ha, hiện tăng lên gần 60ha. Việc trồng rau được đầu tư khá bài bản từ hệ thống đường bêtông, giếng khoan, nhà lưới.

Dự án đã vận hành được ngót 7 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm ổn định cho nhà nông, nên họ gần như phải mang toàn bộ rau ra bán lẻ. Những người trồng rau ở đây buồn bã cho biết cứ như thế này, chẳng mấy chốc dự án sẽ "chết", bởi chi phí để trồng một sào rau an toàn cao hơn 30% so với trồng rau thường, nhưng giá bán rau thành phẩm lại không cao hơn.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Triệu Thị Hoa cho biết người sản xuất rau an toàn chỉ cần bán cao hơn rau truyền thống khoảng 3% là chấp nhận được; trong khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng mua cao hơn rau truyền thống khoảng 5 - 10%. Vậy tại sao họ vẫn chưa gặp nhau? Vấn đề nằm ở khâu lưu thông, phân phối chưa ổn, chưa tạo được niềm tin vững chắc về chất lượng rau an toàn trong người tiêu dùng...

Theo một điều tra không chính thức của ngành bảo vệ thực vật Hà Nội, có tới 80% người tiêu dùng sẵn sàng mua rau an toàn nếu thực sự tin đó là rau an toàn 100%. Thế nhưng, các nhà sản xuất, phân phối vẫn thiếu cách làm bài bản, công phu để đáp ứng yêu cầu này của “thượng đế”.

Chờ “phép màu”

Những bế tắc trên sẽ khó được tháo gỡ nếu không có một đề án tổng thể giải quyết từ khâu quy hoạch đất, gieo trồng, đến tổ chức phân phối, mới đây, Ủy ban Nhân dân thánh phố Hà Nội đã phê duyệt đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (rau sạch, không sử dụng phân bón hóa học và các chất kích thích gây hại) của thành phố, giai đoạn 2009 - 2015.

Theo đề án, đến năm 2015, thành phố sẽ có khoảng 5.000 - 5.500ha rau an toàn được đầu tư về cơ sở hạ tầng, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân trong quá trình sản xuất. Tổng số vốn đầu tư cho đề án này dự kiến lên đến hơn 900 tỷ đồng.

Các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, ưu tiên các vùng ven sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và sông Tích; trong đó, thành phố sẽ lựa chọn những vùng có quy mô lớn, thuộc các huyện như Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng nhằm đầu tư khép kín tạo thành các vùng rau an toàn trọng điểm.

Để khắc phục một trong những điểm yếu nhất hiện nay là khâu tiêu thụ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Thị Hoa cho biết đề án đưa ra biện pháp thực hiện quy hoạch các chợ đầu mối rau an toàn gắn với các vùng sản xuất lớn và các trục đường giao thông chính. Tùy theo quy mô khu dân cư, Hà Nội bố trí từ 1- 3 cửa hàng bán rau an toàn ở mỗi khu. Tổng số cửa hàng kinh doanh rau an toàn sẽ được hỗ trợ lên đến 520.

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển và Nông thôn, muốn tạo đầu ra tốt cho rau an toàn, chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với các hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ có gắn chứng nhận rau an toàn.

Bên cạnh đó sẽ xây dựng, ban hành quy trình sản xuất rau an toàn cho từng loại cụ thể, phù hợp với điều kiện từng vùng; hướng dẫn nông dân thực hiện chặt chẽ các quy trình; tăng cường kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian dối làm bẩn rau an toàn./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục