REEP biến giấc mơ khởi nghiệp thành hiện thực

Dự án REEP thành công khi chắp cánh cho những người lao động nông thôn thực hiện giấc mơ khởi nghiệp từ bàn tay trắng.
"Dự án phát triển doanh nghiệp nông thôn (REEP) thực sự đã đem lại cuộc sống mới cho gia đình tôi," bà Nguyễn Thị Chiến (Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã rưng rưng phát biểu trong buổi Tổng kết Dự án REEP do Tổ chức Oxfam Québec (Canada) cùng Liên minh Hợp tác xã và Hội phụ nữ của ba tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa thực hiện ngày 21/1, tại Hà Nội.

Bà Chiến sinh sống tại một vùng nông thôn nghèo ven biển, công việc hàng ngày của bà là làm mắm tôm, mắm cá. Do hoạt động sản xuất thủ công cha truyền con nối nên làm vất vả quanh năm nhưng sản lượng mắm đã ít lại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Thu nhập vì thế cũng thất thường, chỉ đủ kiếm đồng ra đồng vào đủ ngày ba bữa cơm. 

Tuy nhiên, năm 2007 bà Chiến được tiếp cận dự án REEP, qua đây bà được tham gia các cuộc hội thảo, tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương có truyền thống sản xuất mắm tại Việt Nam. Ngoài ra, bà còn được đào tạo về kỹ năng quản lý sổ sách thu chi, marketing... Chỉ sau ba năm bà Chiến đã đi từng bước từ kinh doanh hộ gia đình sang doanh nghiệp vi mô rồi phát triển lên thành doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay, doanh nghiệp của bà Chiến đã mở rộng thêm cả ngành nghề đan cói và thu hút trên 50 lao động nhàn rỗi (chủ yếu là nữ) tại địa phương với thu nhập bình quân đạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng/tháng. Từ đó thu nhập của gia đình bà Chiến cũng duy trì ở mức khoảng 40 triệu đồng/tháng.

“Mặc dù bước đầu chúng tôi mới đạt được mức thu nhập khiêm tốn, song rất ổn định. Và ý nghĩa hơn là nhiều người phụ nữ trong xã đã không còn phải tha phương ra các thành phố lớn kiếm sống. Những người chồng của họ cũng yên tâm hơn, bởi sau những chuyến đi biển về gia đình họ được quây quần và những đứa trẻ cũng không còn phải sống trong cảnh vắng mẹ biền biệt,” chị Chiến hạnh phúc nói.

Đối với bản thân mình, chị Chiến tỏ ra rất lạc quan và tự tin. Nếu như trước kia làm gì chị cũng rụt rè, lo lắng thì nay chị đã sẵn sàng vay vốn ngân hàng mở rộng kinh doanh và giao tiếp linh hoạt hơn rất nhiều.

Cũng như vậy, chị Phùng Thị Luyến (Tiên Kiều, Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương) cho hay, quê chị là vùng chiêm trũng, cây trồng chủ yếu là cói. Nhưng nghề dệt chiếu lâu nay chỉ tính chất thủ công, mỗi ngày chỉ dệt được một đến hai đôi chiếu, rồi mang đi bán rong, nên nhiều năm nay kinh tế gia đình đủ ăn cũng là may mắn rồi.

Sau khi được thụ hưởng quyền lợi từ dự án REEP, chị Luyến cũng được đi tập huấn, biết lập kế hoạch kinh doanh, thiết kế mẫu mã đa dạng, mua máy dệt chiếu công nghiệp và hình thức bảo quản lưu giữ hàng hóa. Hơn nữa, chị đã biết cách quảng bá sản phẩm chiếu của mình ra nhiều địa phương khác.

“Năm 2010, Hợp tác xã Tiên Kiều được thành lập với 8 xã viên và 20 lao động thường xuyên, có ba máy dệt chiếu công nghiệp và 10 khung dệt. Sản phẩm chiếu đa dạng hơn và chất lượng được nâng lên rõ rệt. Sản lượng năm đạt 10 nghìn đôi chiếu các loại, doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động đạt 1 triệu đến 1,5 triệu/tháng,” bà Luyến tự hào nói.

Câu chuyện về thành công của những người thợ gốm Đông Triều, Quảng Ninh cũng hết sức thú vị. Ông Nguyễn Sĩ Nha cho hay dự án REEP đã thực sự chắp cánh cho gốm Đông Triều bay xa. Không chỉ cung cấp thị trường trong nước, sản phẩm gốm quê ông đã xuất khẩu đi Hà Lan, Nhật.

Truyền thống từ trước đến nay, ở làng chỉ có một người làm khuôn và một người làm men. Nhưng sau khi dự án REEP hỗ trợ đào tạo tay nghệ về công nghệ sản xuất, làm khuôn, làm men và đi học hỏi tại các địa phương sản xuất gốm nổi tiếng trong nước và Trung Quốc, các sản phẩm gốm Đông chiều đã được nâng giá trị lên gấp hai lần.

Ông Nguyễn Sĩ Nha phấn khởi nói: “Hàng sản xuất ra rất chạy, thậm chí có lúc không có hàng để mà bán. Năm 2010, doanh nghiệp chúng tôi làm ăn rất tốt. Giải quyết việc làm cho 81 lao động, trong đó có 68 lao động nữ sống tại 5 xã nghèo quanh thị trấn Mạo Khê. Thu nhập bình quân người lao động của chúng tôi đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người.”


Dự án REEP được đầu tư gần 5 triệu đô la Canada, chủ yếu nguồn tài trợ do Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada cấp và thực hiện trong thời gian sáu năm rưỡi (9/2004 đến 3/2011).

Mục tiêu của dự án là cải thiện sinh kế của những người dân nông thôn thông qua hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa thuộc ba tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Thanh Hóa.


Sau quá trình thực hiện, dự án đã hỗ trợ được 1.119 doanh nghiệp về các lĩnh vực nâng cao tay nghề chuyên môn, kỹ năng quản lý doanh nghiệp cũng như kết nối kinh doanh trong và ngoài nước.
Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục