Rèn thể lực giúp cải thiện kết quả học của thiếu niên

Một nghiên cứu mới của Anh cho thấy học sinh càng có nhiều hoạt động thể chất thì kết quả học tập tại trường càng được cải thiện.
Một nghiên cứu mới của Anh cho thấy rèn luyện thể lực thường xuyên giúp cải thiện kết quả học tập của thiếu niên, đặc biệt là giúp các em nữ học tốt hơn các môn khoa học.

Ngoài ra, học sinh càng có nhiều hoạt động thể chất thì kết quả học tập tại trường càng được cải thiện. Kết quả này đã được đăng trên Tạp chí Y học thể thao Anh ngày 22/10.

Hoạt động thể chất từ lâu đã được xem là có thể giúp tăng năng lực của não bộ, tuy nhiên, tới nay ít có các bằng chứng khoa học cho vấn đề này. Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học của Anh, Scotland và Mỹ đã tính toán mức độ hoạt động thể chất của khoảng 5.000 trẻ em ở độ tuổi 11, trong đó mỗi em được đeo một "thiết bị đo gia tốc" giúp phân tích các vận động của cơ thể trong vòng 1 tuần. Kết quả học tập của các em này ở các môn tiếng Anh, toán và khoa học được đánh giá khi các em lần lượt ở độ tuổi 11, 13 và 16.

Kết quả cho thấy những trẻ em có nhiều hoạt động thể chất khi 11 tuổi sẽ đạt kết quả học tốt hơn ở cả 3 môn trong cả 3 độ tuổi. Ở trẻ em nam 11 tuổi, tập thể dục 17 phút/ngày sẽ giúp cải thiện điểm số, trong khi các em gái 16 tuổi tập thể dục 12 phút/ngày cũng cho kết quả tương tự. Hiệu quả này còn thể hiện rõ rệt đối với trẻ em gái trong các môn khoa học. Các tác giả của nghiên cứu này cho rằng đây là một kết quả quan trọng, nhất là khi chính sách của Ủy ban châu Âu và Anh hiện nay là khuyến khích phụ nữ tham gia làm khoa học.

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là trong thực tế, trẻ em nam ở độ tuổi 11 hiện chỉ dành tổng cộng 29 phút/ngày cho tất cả các hoạt động thể chất, còn ở các em nữ là 18 phút/ngày, con số này là quá thấp so với mức khuyến nghị là 60 phút/ngày. Tuy nhiên, chính điều này sẽ tiếp tục khuyến khích các nhà khoa học tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra với kết quả học tập nếu trẻ em tăng thời gian hoạt động thể chất lên mức 60 phút/ngày.

Những trẻ em tham gia nghiên cứu trên được tuyển chọn trong khuôn khổ một dự án quy mô lớn mang tên "Khảo sát theo chiều dọc đối với cha mẹ và trẻ em" (ALSPAC) tại Tây Nam nước Anh. Các nhà khoa học còn đánh giá kết quả thu được trên cơ sở xem xét các yếu tố ảnh hưởng khác như cân nặng lúc sinh, liệu các bà mẹ có hút thuốc trong thời gian mang thai, cân nặng của các bà mẹ và hoàn cảnh sống.

Theo các nhà khoa học, cần tiếp tục tiến hành thêm các nghiên cứu để hiểu rõ hơn rèn luyện thể lực tác động thế nào đến việc kết quả học tập được cải thiện. Kết quả nghiên cứu đã giúp các nhà hoạch định chính sách giáo dục và y tế công có cơ sở quan trọng trong việc khuyến khích các nhà trường và cha mẹ học sinh tăng cường hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ em./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục