Robot đang dần thôn tính "miếng bánh việc làm" của kinh tế Mỹ

Không phải Mexico, Trung Quốc hay thương mại toàn cầu mà sự xuất hiện của robot và tự động hóa công nghệ cao mới là những mối đe dọa lớn nhất đối với các công việc trong ngành lắp ráp chế tạo ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump miêu tả Mexico, Trung Quốc và thương mại toàn cầu là những mối đe dọa lớn nhất đối với các công việc trong ngành lắp ráp chế tạo ở Mỹ.

"Đó là một thỏa thuận đơn phương từ sự khởi đầu của NAFTA với một số lượng lớn công việc và công ty bị tổn hại," ông Trump viết trên Twitter hôm 26/1.

Người tiền nhiệm của ông cũng đưa ra một cảnh báo với công nhân Mỹ theo cách khác.

"Làn sóng chuyển dịch kinh tế tiếp theo sẽ không đến từ nước ngoài. Nó sẽ đến từ tốc độ tự động hóa không ngừng khiến rất nhiều công việc của tầng lớp trung lưu trở nên lỗi thời," cựu tổng thống Obama nhận định trong bài diễn văn từ biệt.

Các nghiên cứu cũng ủng hộ khẳng định của ông Obama. Tình trạng mất việc làm do sự xuất hiện của robot và tự động hóa công nghệ cao gây thiệt hại nhiều hơn thương mại với Trung Quốc, Mexico hay bất cứ quốc gia nào khác.

Nước Mỹ đã mất nhiều việc làm vì hoạt động thương mại, nhưng robot lại đe dọa nhiều công việc truyền thống liên quan đến dây chuyền lắp ráp.

Số công việc trong ngành chế tạo hiện nay ít hơn gần 5 triệu so với năm 2000.

Giáo sư viện đại học MIT David Autor thấy rằng quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã làm mất đi 985.000 việc làm trong ngành lắp ráp chế tạo ở Mỹ từ năm 1999 đến 2011.

Robert Scott, một nhà kinh tế tại Viện chính sách kinh tế, ước tính rằng quan hệ thương mại với Mexico đã làm mất khoảng 800.000 việc làm ở Mỹ trong giai đoạn 1997-2013

Những con số này khá cao. Nhưng chỉ tính riêng năm ngoái, tăng trưởng việc làm ở Mỹ đã cao hơn cả hai con số trên cộng lại.

Một nghiên cứu khác cho thấy robot đang chiếm phần lớn hơn trong chiếc bánh "việc làm."

Robot đang dần thôn tính "miếng bánh việc làm" của kinh tế Mỹ ảnh 1

Một nghiên cứu của hai giáo sư Đại học Ball State cho thấy từ năm 2000 đến năm 2010, khoảng 87% công việc bị mất trong ngành chế tạo bắt nguồn từ việc các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn.

Động lực chính của sự hoạt động hiệu quả hơn trong các nhà máy chính là tự động hóa và công nghệ hiện đại hơn. 13% công việc bị mất đi còn lại là do thương mại.

Nói một cách đơn giản, số công nhân yêu cầu để sản xuất ra cùng một số lượng ôtô hiện nay đã giảm so với năm 2000. Thực tế, khi ngành công nghiệp mất công nhân, giá trị sản xuất chế tạo lại tăng lên gần như mức cao nhất mọi thời đại.

Theo J. Bradford Jensen, một giáo sư kinh tế của đại học Georgetown, "Điều này với tôi là bằng chứng đầu tiên - không phải quan hệ thương mại" là nguyên nhân lấy đi nhiều việc làm nhất. "Đã có rất nhiều thay đổi về công nghệ làm giảm đi nhu cầu về nhân công - tự động hóa, thiết kết, tăng sử dụng phần mềm, giảm sử dụng phần cứng."

Vậy tại sao chúng ta không giảm bớt robot nếu chúng là nguyên nhân gây mất việc làm?

"Thật khó để làm xấu đi hình ảnh của cái mà mọi người xem như là tiến bộ công nghệ, trong khi làm xấu hình ảnh của người nước ngoài lại dễ hơn nhiều," Jensen nói thêm.

Các chuyên gia nhấn mạnh rất khó để chỉ ra chính xác có bao nhiêu công việc đã bị công nghệ tự động hóa lấy đi, một phần vì tự động hóa cũng tạo ra việc làm mới.

Giáo sư MIT Daron Acemoglu đưa ra ví dụ về các máy ATM. Chúng thực hiện các công việc mà các nhân viên ngân hàng từng làm. Nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy việc làm trong ngành ngân hàng bị thu hẹp vì máy ATM.

"Khi nhân viên ngân hàng không cần phân phối tiền nữa, họ có những công việc chuyên sâu hơn phải làm," Acemoglu nhận định.

Quá trình chuyển đổi này đang thách thức hàng triệu công nhân ngành chế tạo. Theo các chuyên gia, tốc độ đổi mới nhanh chóng đồng nghĩa với việc công nhân dây chuyền lắp ráp phải có các kỹ năng làm việc chất lượng cao hơn. Thách thức đó khiến họ dễ bị bỏ lại phía sau.

Một bằng chứng khác: có 324.000 việc làm trong ngành chế tạo được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái - bằng với số việc làm trước khi cuộc Đại suy thoái bắt đầu năm 2007. Các chuyên gia nói rằng nhiều công việc đang tuyển người này đòi hỏi những bộ kỹ năng trình độ cao.

Tự động hóa cũng là một nhân tố tạo việc làm. Autor, nhà kinh tế học của MIT nhận thấy rằng công nghệ mới đã thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở một số lĩnh vực mặc dù cũng làm mất đi việc làm ở các dây chuyền sản xuất.

Xu hướng đó đặt ra một thách thức đối với mục tiêu đưa công việc trong ngành lắp ráp chế tạo từ Trung Quốc và Mexico trở lại Mỹ của ông Trump.

"Nếu bây giờ bạn ngăn cản thương mại, một số hoạt động sản xuất sẽ quay về, nhưng những công việc quay về cùng chúng sẽ không dành cho con người mà dành cho robot," giáo sư Acemoglu nhận định./.

(Vietnam+)