Rộn ràng đón xuân nơi thung lũng Thèn Pả của Điện Biên

Từ xa nhìn lại, bản Thèn Pả hiện ra là những ngôi nhà gỗ, mái lợp tấm prôximăng nằm liền kề, quần tụ ở chân và lưng núi.

Nằm ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, được bao bọc tứ bề điệp trùng là núi, thung lũng, Thèn Pả (xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) được người dân nơi đây quen gọi là “thung lũng mắt trời.”

Bản Thèn Pả hiện có 59 hộ với 320 nhân khẩu sinh sống, 100% đều là người Xạ Phang. Đời sống ngày càng đổi thay nên không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền nơi đây cũng rộn ràng hơn trước.

Khám phá thung lũng Thèn Pả

Ngược quốc lộ 12 hơn 60km, chúng tôi tiếp tục vật lộn với những “con ngựa sắt” cả tiếng đồng hồ suốt hành trình vượt gần 20km đường rừng để hướng về xã Hừa Ngài.

Khi tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi cảm giác rét buốt đến tê dại đôi chân, lòng bàn tay nhức buốt như có kim châm vì cái lạnh của gió, của sương thì chúng tôi mới đến được con dốc bắt đầu vào bản Thèn Pả.

Từ xa nhìn lại, khung cảnh bản Thèn Pả hiện ra là những ngôi nhà gỗ, mái lợp tấm prôximăng nằm liền kề, quần tụ ở chân và lưng núi.

Theo Trưởng bản Thèn Pả - ông Sần A Vần, việc người dân sinh sống ở vị trí như thế mang một ý nghĩa phát triển bền vững, lâu dài: không lấn chiếm đến quỹ diện tích ruộng, để đảm bảo “an ninh lương thực” của cả bản.

“Thèn Pả có nghĩa là bãi rộng, bị bao bọc núi đồi, vách đá trùng điệp nên dân chúng tôi ở đây quen gọi là thung lũng Thèn Pả. Tính từ phía Đông sang phía Tây, thung lũng Thèn Pả dài hơn 1km; diện tích thung lũng là ruộng lúa của người dân 3 bản Cheo Ly, Huổi Lèng (xã Huổi Lèng) và Thèn Pả (xã Sa Lông). Nhưng dân sinh sống ở thung lũng Thèn Pả chỉ có người Xạ Phang thôi,” ông Sần Vàng Lồng (53 tuổi, bản Thèn Pả) nói.

Mùa này ở Thèn Pả, dù thời gian đã về trưa nhưng ánh nắng mặt trời vẫn dường như "quên" soi chiếu thung lũng này. Bắt đầu vào mùa xuân, khí trời ở đây vẫn lạnh, thung lũng bị bao bọc trong giá rét và hơi sương, những đỉnh núi bao quanh thung lũng lẩn quất mây mù thì khó thấy mặt trời. Họa hoằn vào ngày nắng đẹp, đầu giờ chiều mây và sương tan, mặt trời mới “chịu” ló rạng, sưởi ấm cho bản làng, ông Sần A Vần giải thích.

Sau thời gian “làm lý” nhập bản tại gia đình ông Sần A Vần - Trưởng bản Thèn Pả, chúng tôi bắt đầu thực hiện cuộc hành trình khám phá bản làng nơi thung lũng Thèn Pả, hòa mình vào không khí chuẩn bị đón Tết của người Xạ Phang.

Ông Sần A Vần cho biết: “Người Xạ Phang ở Thèn Pả có khung lịch thời gian ăn Tết trùng với người Kinh. Khi con đường dẫn về bản nở rộ màu vàng ấm áp của hoa dã quỳ; khi hoa mận, hoa đào mọc trên lưng chừng núi bao quanh thung lũng bung nở trắng ngần thì người dân làng Thèn Pả cũng chuẩn bị đón Tết.”

Trên con đường nhỏ vừa đủ hai người đi, dẫn lối sang các gia đình trong bản, chúng tôi gặp các bà, các mẹ, các thiếu nữ trong trang phục truyền thống đầy sắc màu ngồi bên hiên nhà hay trước sân khâu những đôi giày mới cho các thành viên trong gia đình; những đứa trẻ xúng xính trong những bộ quần áo mới đang nô đùa, cười vang bên những gốc cây mận, cây mắccoọc... Trên những khu đất cao, bằng phẳng hay trên những bể chứa nước sạch, các bà, các chị đang phơi nếp sấy...

Tay mải miết với công việc phơi nếp sấy, bác gái Lò Quang Mẩy (51 tuổi) cho biết nếp sấy phơi được nắng sẽ được gia đình dùng làm bánh bọng. Cùng với các món ăn chế biến từ hoa, quả, thịt lợn, các loại bánh chưng, bánh dày thì bánh bọng không thể thiếu trong bữa ăn, mâm cỗ của người Xạ Phang. Bánh bọng có thể làm từ ngô, gạo nhưng ngon và thơm nhất là làm từ nếp nương.

Lần theo tiếng cối đá làm rộn rã một góc núi phía dưới bản, chúng tôi đến nơi 3 cô gái đang xay đậu để chế biến món đậu phụ. Chị Sần Việt Hoa (18 tuổi) vừa nhanh tay cho hạt đậu vào cối đá, niềm nở cho biết đang xay đậu để phục vụ một đám cưới của người trong bản. Ngày giáp Tết sẽ phải xay nhiều hơn để chuẩn bị cho những ngày Tết.

Ngược lên lưng núi cao bằng con đường đất nhỏ, chúng tôi tới nhà bác Sần Vàng Lồng (53 tuổi). Bên bếp lửa đặt ở gian trái căn nhà, bác gái Ly Lù Sốn (47 tuổi) đang ngồi khâu những đôi giày sặc sỡ hoa văn, màu sắc. Em gái Sần Hào Chiên (16 tuổi) đang ngồi may áo, váy bên chiếc máy khâu.

Bác Sần Vàng Lồng cho biết: "Nhà chuẩn bị được các thứ để ăn Tết rồi. Gia đình đã thịt một con lợn to, đem thịt ướp muối, rồi treo lên gác. Nhìn những tảng thịt to treo lủng lẳng trên xà ngang gian phải, bác Lồng phấn chấn: “Lợn nhà nuôi được đấy. Ngoài lợn ra, mình còn nuôi được 2 con trâu, 2 con ngựa. Tết này, họ hàng, người thân trong bản đến chúc Tết, không lo thiếu thịt.”

Đổi thay ở Thèn Pả

Hiện tại, bản Thèn Pả có 17ha gieo cấy lúa nước 1 vụ; gần 200 con ngựa, bò, trâu; hơn 300 con gà, vịt. Là một bản nghèo với hơn 30 hộ nghèo, hơn 10 hộ cận nghèo, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, cuộc sống của người dân nơi đây đã đỡ vất vả, bớt khó khăn hơn. Nhờ những công trình trọng yếu được xây dựng lên cho người dân trong bản thụ hưởng đã tạo tiền đề, động lực ban đầu cho người dân phấn khởi, nỗ lực vươn lên.

Trưởng bản Sần A Vần hồ hởi điểm tên các công trình trọng điểm, thiết yếu mà người dân trong bản được “sở hữu" gồm công trình nước sạch, điểm trường tiểu học và trạm biến thế hoà điện lưới quốc gia. “Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho người dân chúng tôi,” trưởng bản Sần A Vần hồ hởi nói.

Theo trưởng bản Sần A Vần, hơn 1 năm nay, Thèn Pả đã được sử dụng nguồn nước sạch.

“Dự án giảm nghèo cho các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2” đã giúp bản có được 10 bể nước dự trữ nước sạch, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân trong bản sinh hoạt.

Cuối tháng 12/2012 trạm biến thế ở Thèn Pả đóng điện, người dân Xạ Phang ở thung lũng này sau bao nhiêu năm mong đợi đã được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia.

Điểm trường đã có từ bao năm nay được dựng tạm bằng tranh, tre, vách gỗ giờ được xây dựng kiên cố khang trang với quy mô 3 phòng, trở thành niềm vui của cả bản, khi con em trong độ tuổi tới trường đều được đi học; giờ học mùa đông không bị mưa hắt, gió lùa, co ro trong lớp nữa. Năm học này, Thèn Pả có gần 50 học sinh thuộc 3 lớp mầm non, lớp 1 và lớp 2.

“Trước đây, khi chưa có điện thắp sáng, đời sống nhân dân bản Thèn Pả chúng tôi khó khăn, vất vả lắm. Cứ đêm xuống là bản làng chìm trong đêm tối, hơi lạnh, nhà nhà lại đóng cửa đi ngủ sớm. Giờ có điện, cuộc sống, kinh tế của người dân cũng khá hơn. Người dân trong bản cũng đã mua sắm được gần 10 chiếc tivi để xem, nhờ đó mà nâng cao trình độ, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Những tối thứ 7, Chủ nhật, nghe tiếng bọn trẻ con gọi nhau đi xem tivi, bản làng càng thấy ấm áp hơn” - trưởng bản Sần A Vần bày tỏ.

Theo nhiều người dân trong bản Thèn Pả, việc được dùng nguồn nước sạch, nguồn điện lưới quốc gia trong cuộc sống, sinh hoạt là một điều “kỳ diệu.”

Chị Tỉa Ngải Mẩy (23 tuổi) cho biết: “Trước đây, để có nước phục vụ sinh hoạt, người dân trong bản hàng ngày phải leo núi, lên tận đầu nguồn để cõng về, rất vất vả, mất thời gian. Vào mùa mưa thì nước đục, không hợp vệ sinh. Nay thì không phải lo lắng nữa. Từ khi bản làng có điện, tối đến nhà nhà sáng sủa, công việc thêu thùa, may vá của chị em chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn.”

Bác Sần Vàng Lồng (53 tuổi) cũng không giấu được niềm vui: “Khi chưa có điện, nhà khá giả thì mua máy nổ về chạy phát điện, người nghèo phải thắp sáng bằng đèn dầu. Nhưng để có dầu thắp sáng thì cứ mấy ngày sau thanh niên trai tráng, đàn ông trong bản phải chạy xe máy hơn 10km ra tận bản Huổi Toóng (xã Huổi Lèng) mới mua về được. Vất vả lắm. Giờ có điện, làm cái gì, sử dụng cái gì cũng được, không còn lo lắng, khổ sở như trước nữa.”

Rời thung lũng Thèn Pả, tạm biệt bà con người Xạ Phang nơi đây lúc chiều về, tiết trời lạnh dần vào từng làn áo; trên dãy núi điệp trùng bao quanh thung lũng, mây trắng và hơi sương đã phủ kín những mỏm núi...

Không khí chuẩn bị đón Tết thật bình dị, ấm áp ở thung lũng Thèn Pả - thung lũng “mắt trời” và tình cảm thân thiết, gần gũi của bà con nơi đây như làm ấm lòng chúng tôi trong giá rét đầu xuân.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục