Phía sau sàn chứng khoán

Rộn ràng nhịp sống phía sau các sàn chứng khoán

Gác lại những lo toan, các nhà đầu tư tìm đến câu lạc bộ để tâm sự, khiêu vũ, du lịch... Nhịp sống vẫn sôi động phía sau sàn chứng khoán.
Nếu ai đó đã từng mở tài khoản tại công ty chứng khoán thì chỉ sau một vài lần đặt lệnh mua-bán sẽ hiểu rằng thị trường chứng khoán là nơi lấy đi “mồ hôi, nước mắt,” mang lại “những lo toan” và thành công luôn đi cùng trả giá.

Tuy nhiên, những biến động nhanh chóng và bất ngờ của thị trường chứng khoán cũng tạo ra lực hấp dẫn thu hút sự tò mò, quan tâm của nhiều dân cư trong xã hội và kích thích sự "say mê" của những thành viên trên thị trường.

Ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán

Bà Nguyễn Thùy Hương, 68 tuổi, tham gia đầu tư chứng khoán từ năm 2004 cho biết, đầu tư chứng khoán là công việc giúp bà không cảm thấy tuổi già. Một ngày của bà bận rộn như những công chức bình thường, nghĩa là cũng làm  8 tiếng, với 5 ngày trong tuần. Sáng bà lên “sàn” theo dõi giao dịch, chiều tham gia các buổi phân tích, nhận định thị trường của các công ty chứng khoán.

“Con tôi thường hỏi: Hôm nay, mẹ có đi làm không?" bà Hương vui vẻ kể về thuật ngữ mà gia đình bà dành cho những buổi theo dõi thị trường của mình.

Bà tâm sự: “Chỉ nghỉ theo dõi 1, 2 phiên là đã thấy lạc lõng với thông tin. Vì vậy, có đến cả nửa tháng không giao dịch song tôi vẫn đến sàn chứng khoán đều đặn.”

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của bà Hương lại không được thành công. Để các con yên tâm, bà thường lảng tránh sự quan tâm hỏi han của gia đình. Mọi tâm sự, bà đều trao đổi với những người bạn đầu tư cùng mình.

Chuyện "bàn tròn" của giới đầu tư ngoài mua gì, bán gì, thị trường sắp tới lên hay xuống, còn là những câu chuyện tâm tình đời thường xung quanh việc buôn bán "chứng."

Chị Nguyễn Hà Anh (ở quận Long Biên) thì lại khác. Chồng chị là một chủ doanh nghiệp nhỏ có thu nhập tương đối ổn định. Trước kia anh thường đưa tiền tích lũy về cho chị, nhưng từ khi đầu tư vào cổ phiếu, các khoản thu nhập kiếm được anh đều cho vào tài khoản chứng khoán.

Chị Hà Anh nói: “Lợi chẳng thấy đâu mà lo lắng thì nhiều, lúc có lãi thì chồng tôi tiêu tiền phóng khoáng, thoải mái. Nhưng cũng chẳng được lâu, lãi chẳng thấy đâu mà còn thâm vào vốn. Tôi hỏi thì anh ậm ừ bảo không lỗ mấy, nhưng nhìn mặt chồng tôi biết câu trả lời hoàn toàn không phải như vậy. ”

Chị Hoài, kế toán trưởng một công ty cơ khí, cũng là một nhà đầu tư chứng khoán, song trường hợp của chị là cả hai vợ chồng cùng đồng tâm hiệp lực chơi “chứng”. Trong các bữa cơm tối, câu chuyện hai vợ chồng chỉ quanh chủ đề thị trường trong ngày, thông tin mã chứng khoán, chính sách vĩ mô trong nước, quốc tế…

“Thằng con mình mới bốn tuổi đã biết kể cho bà nội: Down Jones, Nasdaq, Standard & Poor's… xanh là giàu, đỏ là nghèo bà ạ. Bố cháu bảo thế!” chị Hoài kể.

Cũng tại thằng con, mà vợ chồng chị Hoài bị một phen “chất vấn” của bố, mẹ chồng. Mẹ chồng chị chì chiết: “Làm không lo làm, chơi cái trò cờ bạc rồi có ngày dẫn nhau ra đê ở.”

Cô Thanh ở phường Phúc Xá thì tâm sự trong tâm trạng lo lắng: “Con trai cô học cao học ngành tài chính ở Mỹ về không làm việc ở đâu mà cứ theo bạn bè đầu tư chứng khoán. Ngày trước chỉ biết học có quan tâm gì đến tín ngưỡng đâu! Vậy mà mấy hôm trước, nửa đêm dậy cô bắt gặp nó đang thắp hương cúng bái.”

Gác lại những lo toan

Chứng khoán ngày càng đi sâu vào cuộc sống của người dân Việt Nam, song hoạt động đầu tư tài chính luôn đi kèm với may-rủi nên nhiều người trong xã hội sẽ có những quan điểm và cách nhìn khác nhau về lĩnh vực này.

Đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán thì đây là công việc thực thụ, họ đam mê với những kiến thức tài chính, với những vấn đề kinh tế, xã hội hàng ngày…

Thậm chí hoạt động đầu tư không còn bó hẹp chỉ là kiếm lợi đơn thuần mà phía sau sàn giao dịch chứng khoán ,các nhà đầu tư đang dần hình thành những cộng đồng thu nhỏ, gắn bó, thân thiết và hợp tác với nhau.

Theo bà Thùy Hương, tại sàn giao dịch đã hình thành nên “câu lạc bộ những nhà đầu tư”. Câu lạc bộ kết hợp với công ty chứng khoán tổ chức các hoạt động tập thể như đi tham quan du lịch, thăm hỏi hiếu-hỉ, làm từ thiện, tổ chức các sự kiện theo ngày lễ trong năm đồng thời khuyến khích thành viên trong gia đình các nhà đầu tư cùng tham dự, giúp họ hiểu, thông cảm và tôn trọng những nhà đầu tư chứng khoán nhiều hơn.

Bà Hương hồ hởi khoe, ban điều hành câu lạc bộ có khoảng 10 người. Năm 2009, câu lạc bộ đã tổ chức thành công một khóa khiêu vũ cho cả nhà đầu tư và cán bộ, nhân viên công ty chứng khoán. Ngoài ra, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều sự kiện vui chơi, tham quan du lịch và đặc biệt là đã tham gia được 3 chương trình từ thiện. Khi kêu gọi từ thiện, các nhà đầu tư và nhân viên công ty chứng khoán hưởng ứng rất nhiệt tình.

"Có những nhà đầu tư rất trẻ chỉ khoảng 30 tuổi nhưng họ rất có tâm, ủng hộ mỗi người tới vài triệu đồng," bà nói. "Vì vậy, kết quả làm từ thiện rất tốt và qua đó, chúng tôi cũng gắn bó và quý mến tấm lòng của nhau hơn."

“Trong những ngày giáp Xuân này, thị trường chứng khoán biến động theo chiều hướng xấu. Nếu không có những hoạt động tập thể, giao lưu chia sẻ thì có lẽ nhiều nhà đầu tư trong chúng tôi sẽ điên cái đầu và không còn tâm trạng đâu để đón Tết nữa. Chính những cuộc giao lưu đã giúp chúng tôi giảm căng thẳng, tạo tinh thần sảng khoái, minh mẫn, từ đó công việc đầu tư cũng được hiệu quả hơn,” bà Hương tâm sự./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục