"Rủi ro tín dụng: Chưa đáng lo ngại"

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, cho đến nay, rủi ro tín dụng là chưa đáng lo ngại và mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, cho đến nay, rủi ro tín dụng là chưa đáng lo ngại và mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt khác, năm nay mặc dù chống suy giảm nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn quản lý chặt chẽ cung tiền theo hướng điều hành chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng một cách thận trọng và phù hợp với chính sách vĩ mô.

Cho vay chứng khoán và bất động sản vẫn "lành mạnh"

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 17/6, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương khẳng định, tốc độ tăng dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán của hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang ở mức "cho phép" và đều thấp hơn tốc độ tăng dự nợ chung của cả nước.

Tính đến cuối tháng 5/2009, dư nợ cho vay bất động sản là 151.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đã cho vay chứng khoán gần 7.200 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 4%. Dự nợ cho vay tiêu dùng là 85 ngàn tỷ đồng, tăng 11,6%.

Mặt khác, nợ xấu tính đến cuối tháng 4 cũng mới ở mức 2,62% so với tống dự nợ, so với đầu năm có tăng lên một chút (2,17%) nhưng "bức tranh" này, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là chưa đáng lo ngại.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng là 14,01%, so với thời điểm cuối năm 2008. "So với chỉ tiêu công bố đầu năm là 21 - 23% và mức phấn đấu mà Chính phủ đặt ra tăng 25% thì con số này hơi cao. Nhưng vừa qua, sau khi tính toán vòng quay tín dụng trong điều kiện kinh tế suy giảm có chậm hơn thời gian bình thường, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ thống nhất năm 2009 kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 30%." - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Bởi, theo Thống đốc Giàu, tăng trưởng tín dụng ở mức độ hợp lý và hiệu quả sẽ góp phần tăng trưởng GDP nhưng nếu tăng trưởng quá mức đồng thời không hiệu quả, phát sinh nợ xấu thì sẽ tác động ngay lên nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước dự báo trong tháng 6 này, mức tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn ở mức cao, lên đến 17% so với cuối năm 2008,  nhưng những tháng cuối năm sẽ tăng chậm lại.Nguyên do là Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý chặt lượng tiền cung ứng ra lưu thông đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra trên toàn hệ thống.

Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tự kiểm tra về hoạt động cho vay lãi suất thỏa thuận, đặc biệt cho vay tiêu dùng và cho vay phát hành thẻ. Sau đó, từ tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức các đoàn do Thống đốc và các Phó Thống đốc dẫn đầu đi kiểm tra tại 32 tỉnh, địa phương trong cả nước.

Thống đốc cũng cho biết, hiện tại Ngân hàng Nhà nước chưa phát hiện bất kỳ trường hợp nào cho vay chứng khoán vượt quy định của Quyết định 03 (cho vay không quá 20% vốn điều lệ). "Chuyện cho vay các đối tượng khác có chảy qua chứng khoán không thì bây giờ ta phải kiểm tra và phát hiện. Nếu phát hiện ngân hàng nào hay cá nhân nào vi phạm, chúng tôi sẽ làm một cách minh bạch." - Thống đốc nhấn mạnh.

Đã có phương án giảm "sốc" sau hỗ trợ

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, chủ trương hỗ trợ lãi suất của chính phủ đến nay đã có phát huy tác dụng. Theo tính toán, đến nay gói kích cầu thứ nhất (hỗ trợ cho vay ngắn hạn) đã nhất giải ngân được hơn 300.000 tỷ đồng, trên tổng số 583.000 tỷ đồng.

Gói thứ hai (hỗ trợ cho vay trung, dài hạn) đến cuối tháng 5 đã giải ngân được 14.000 tỷ đồng (chiếm 21%) và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt khoảng 70.000 tỷ đồng. "Riêng gói hỗ trợ cho vay ngắn hạn có thể sẽ không đạt 100% kế hoạch, nhưng sẽ lên tới khoảng 480.000 tỷ đồng vào cuối năm nay." - Thống đốc Giàu nói.

Trước những lo ngại liệu các gói kích cầu này của chính phủ có làm gia tăng lạm phát cao, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết: Chủ trương hỗ trợ lãi suất của Việt Nam trong điều kiện hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kéo dài việc hỗ trợ lãi suất sau khi kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi sẽ làm méo mó thị trường.

"Tôi đồng tình là chúng ta cần có lộ trình "gảm sốc" sau hỗ trợ lãi suất. Tỷ lệ hỗ trợ 4% này là rất lớn, nên nếu đùng một cái đến ngày 31/12 ngưng giảm thì sẽ tạo một cú sốc cho nền kinh tế. Vì vậy, chúng tôi đã có phương án để trình chính phủ xem xét, quyết định." -Thống đốc Giàu cho hay.

Vì vậy, theo Thống đốc Giàu khi tính đến lạm phát cần nhìn nhận nhiều yếu tố liên quan cả từ chính sách tài khóa, đầu tư, xuất nhập khẩu, chính sách tiền tệ mà trong đó lãi suất chỉ là một vấn đề.

Liên quan đến tỷ giá, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng tái khẳng định sẽ "không mở biên độ, không thay đổi chính sách tỷ giá", vì hiện tại cung-cầu ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường. Trong bối cảnh nhập siêu 5 tháng mới ở mức 1,1 tỷ USD và mục tiêu cả năm mà Quốc hội đặt ra cho chính phủ là khống chế nhập siêu không quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 10 tỷ USD), thì với lượng dự trữ ngoại tệ hiện nay, khả năng bù đắp thâm hụt thương mại là hoàn toàn trong tầm tay.

Tuy nhiên, trước thực trạng một số ngân hàng thu phí khách hàng trong mua bán ngoại tệ, dưới hình thức phí "cung cấp thông tin tài chính doanh nghiệp", Thống đốc cho biết đây là việc làm trái với quy định của pháp luật. "Các ngân hàng lấy thông tin về tài chính doanh nghiệp thường là qua kênh Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN, vì thế nếu khách hàng nào phát hiện việc làm sai này của ngân hàng có thể báo cho lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để xử lý kịp thời. Tôi khẳng định chỉ lo cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh, chứ kiên quyết không bao che cho các ngân hàng làm sai." - ông Giàu tiên quyết.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với Bộ Công thương tích cực triển khai kiểm tra các bàn thu đổi ngoại tệ, việc niêm yết giá nhằm đảo bảo việc thực hiện các quy định được nghiêm túc và xử lý kịp thời những vướng mắc cũng như các trường hợp làm sai.

 

"Vấn đề lo ngại lãi suất lên cao đã có nguy cơ gì chưa thì tôi khẳng định là không có gì. Chúng ta mở cho vay tiêu dùng và đang tăng rất nhanh với lãi suất cho vay phổ biến trong khoảng từ 14 - 15%,. Riêng các ngân hàng lớn cho vay lãi suất 11%. Nhìn chung, các tổ chức tín dụng khi đưa ra mức lãi suất đều đã phải tính toán để không làm ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của mình. Tuy nhiên, NHNN cũng thấy có hai ngân hàng "đi trước" hơn bình thường. Đây là hai ngân hàng nhỏ và uy tín trên thị trường chưa lớn. Hiện, chúng tôi đã chỉ đạo kiểm tra toàn bộ." - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.



Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục