Rung chấn do thi công đường ở Gia Lai: "Đá bóng" trách nhiệm

Quá trình thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku ngang qua hai huyện Ia Grai và Chư Păh (tỉnh Gia Lai) làm 80 hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn.
Rung chấn do thi công đường ở Gia Lai: "Đá bóng" trách nhiệm ảnh 1Chị Trần Thị Tịnh, thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh bên cạnh chiếc tivi hỏng do rớt từ trên kệ xuống do rung chấn mạnh khi tuyến đường đang thi công ngang qua nhà. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Quá trình thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku ngang qua hai huyện Ia Grai và Chư Păh (tỉnh Gia Lai) làm 80 hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn.

Tình trạng trên xảy ra từ tháng 1/2018 đến nay chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân.

Chị Trần Thị Tịnh ở thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, cho biết nhà chị nằm cách tuyến đường khoảng 20m. Từ khi tuyến đường thi công, nhà chị bị nứt rất nhiều chỗ. Gặp đúng mùa mưa, nước thấm từ các vết nứt tràn vào nhà gây mốc, dột nhiều nơi và hư hỏng nhiều đồ đạc. Vì rung chấn mạnh nên các thành viên trong gia đình không thể nghỉ ngơi sau giờ làm việc.

Ông Đỗ Một cũng ở thôn 3, xã Nghĩa Hòa, chia sẻ nhà ông cùng nhiều hộ lân cận phải sống trong cảnh bị rung lắc nhiều tháng qua. Mùa nắng bụi bẩn phủ kín đồ đạc, mùa mưa do bị rung lắc nhiều, tường nhà bị nứt, nước mưa chảy vào trong nhà khiến sinh hoạt gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều.

Các hộ dân trong khu vực không được thỏa thuận chi phí đền bù, mà chỉ biết mức đền bù được chủ đầu tư công bố trong danh sách gửi về chính quyền xã. Thậm chí, nhiều hộ không có trong danh sách đền bù mặc dù nằm trong phạm vi 50m tính từ tâm đường.

Vì quá bức xúc, rất nhiều lần người dân đã kéo ra đường phản đối, ngăn không cho tiếp tục thi công.

[Nhiều đoạn cao tốc Bắc-Nam đang chuẩn bị được đấu thầu]

Theo báo cáo của huyện Chư Păh và Ia Grai, trong quá trình thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku qua địa bàn, có một số nhà dân nứt do rung chấn.

Huyện Chư Păh đã tiếp nhận 36 đơn kiến nghị, huyện Ia Grai tiếp nhận 44 đơn kiến nghị về bồi thường thiệt hại tổn thất do rung chấn trong quá trình thi công dự án.

Sau khi nhận được kiến nghị từ phía chính quyền, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai (đơn vị chủ đầu tư dự án) có văn bản số 118/SGTVT gửi Liên danh bảo hiểm PVI-Bảo Việt (đơn vị bảo hiểm dự án) lựa chọn một tổ chức giám định độc lập để đánh giá nguyên nhân và mức độ tổn thất đối với các hư hỏng của công trình, kiến trúc mà người dân đã kiến nghị làm cơ sở cho việc xem xét, bồi thường thiệt hại.

Ông Vũ Đức Thuấn, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PVI Gia Lai cho biết qua kết quả giám định từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Giám định và Tư vấn kỹ thuật DNL (có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), đối với 36 hộ dân thuộc huyện Chư Păh, Liên danh bảo hiểm PVI-Bảo Việt chấp nhận bồi thường 23/36 hộ.

Trong số 23 hộ được bồi thường tổn thất, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã chi trả cho 14 hộ với tổng kinh phí hơn 74 triệu đồng, 9 hộ còn lại chưa chấp thuận với giá trị bồi thường và đề nghị tổ chức giám định thêm đối với tổn thất phát sinh. 13 hộ không được đền bù vì đơn vị này cho rằng nằm ngoài phạm vi vùng ảnh hưởng rung chấn 50m.

Trong buổi làm việc của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai, đại diện Liên danh bảo hiểm PVI-Bảo Việt, chính quyền hai huyện Ia Grai và Chư Păh, phía đơn vị bảo hiểm dự án công nhận việc đơn vị này chỉ căn cứ tham chiếu kết quả đo rung chấn để xác định bán kính ảnh hưởng đến các công trình lân cận từ bài viết “Rung chấn do hoạt động thi công xây dựng, kết quả thực nghiệm đo rung chấn xác định bán kính ảnh hưởng đến công trình lân cận” đăng tải trên Tạp chí Giao thông Vận tải ngày 17/11/2016, chứ không đo đạc rung chấn thực tế.

Rung chấn do thi công đường ở Gia Lai: "Đá bóng" trách nhiệm ảnh 2 Vết nứt to ngay góc nhà bà Nguyễn Thị Rí, ông Đỗ Một, thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, khiến nước mưa tràn vào. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngoài ra, mức chi phí đền bù đối với các hộ dân trên dựa vào việc áp giá cho các công trình hư hại thuộc dự án. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, việc đền bù này phải được thỏa thuận từ phía chủ đầu tư và người dân.

Bên cạnh đó, bài viết trên Tạp chí Giao thông Vận tải cũng chỉ mang tính chất tham khảo từ các công trình thi công tại miền Trung, trong khi đó Dự án đầu tư xây dựng đường tránh đô thị Pleiku (Gia Lai) đi ngang qua khu vực huyện Ia Grai và Chư Păh lại thuộc thổ nhưỡng đất đỏ bazan Tây Nguyên, rất dễ gây sụt lún.

Đại diện chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho rằng về việc người dân chưa đồng tình với kết quả giám định tổn thất về ảnh hưởng rung chấn và chi phí đền bù, đơn vị chủ đầu tư đã vận động, giải thích cho các hộ trên về việc cân nhắc mục tiêu phát triển chung của địa phương. Mức đền bù sẽ được cân nhắc phù hợp cho cả đơn vị bảo hiểm lẫn người dân.

Cũng trong buổi làm việc, khi bàn về vấn đề đền bù cho các hộ dân bị nứt nhà ngoài phạm vi 50m, tính từ tâm đường đang thi công, phía Liên danh bảo hiểm lại cho rằng trách nhiệm thuộc phần bên nào thì bên ấy sẽ chịu trách nhiệm.

Ông Vũ Đức Thuấn, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PVI Gia Lai khẳng định: "Liên danh bảo hiểm đang đợi kết quả giám định từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Giám định và Tư vấn kỹ thuật DNL để có căn cứ xét trách nhiệm. Nếu trách nhiệm thuộc về bên nào thì bên đó phải chi trả phần bồi thường thiệt hại cho người dân, không thể nói có thiệt hại là bảo hiểm phải đền bù."

Do đó, đến thời điểm này, phía chủ đầu tư vẫn đợi câu trả lời từ đơn vị Liên danh bảo hiểm về việc giải quyết đền bù cho các hộ dân kiến nghị phát sinh. Còn đơn vị bảo hiểm lại đợi công trình thi công xong rồi mới tổng kết các đơn kiến nghị, sau đó đưa công ty giám định đến kiểm tra hiện trạng nhà dân để có đưa ra kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, phía đơn vị bảo hiểm cũng khẳng định nhất quyết không đền bù cho các hộ dân ảnh hưởng ngoài phạm vi 50m.

"Trái bóng trách nhiệm" được đá vòng tròn, cứ như vậy, người dân phải đợi đến bao giờ và có được giải quyết đền bù thỏa đáng hay không là một vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết.

Rung chấn do thi công đường ở Gia Lai: "Đá bóng" trách nhiệm ảnh 3Nhà chị Trần Thị Tịnh, thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh với hàng chục vết nứt, thời điểm này là mùa mưa nhà luôn trong tình trạng ẩm mốc. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku (Gia Lai) nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ với tổng chiều dài 30,327 km; trong đó tuyến tránh đô thị Pleiku này đi qua huyện Chư Păh với chiều dài 5,15 km, đi qua huyện Ia Grai với chiều dài 20,3 km.

Công trình được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 844 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư.

Công trình được khởi công vào tháng 1/2017, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2018, đến nay đã thi công được khoảng 85% khối lượng công việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục