“Rượu quê” Hàn Quốc bước chân vào thị trường Mỹ

Makgeolli, một loại rượu trắng như sữa, nổi tiếng vì các lợi ích về sức khỏe nó mang lại đang chuẩn bị tiến bước vào thị trường Mỹ.
Một loại rượu gạo Hàn Quốc, ra đời cách nay nhiều thập kỷ và đang được phục hưng hại quê nhà cũng như ở Nhật Bản, đang chuẩn bị tiến bước vào một thị trường mới, giành lấy thị phần của các loại rượu Hàn Quốc đã được biết tiếng như soju.

Makgeolli, một loại rượu trắng như sữa, nổi tiếng vì các lợi ích về sức khỏe nó mang lại, lần đầu tiên sẽ được sản xuất ở nước ngoài vào cuối năm nay, khi một nhà máy rượu khai trương tại Chicago.

Dưới một thỏa thuận với một công ty đóng tại Chicago, Công ty bia rượu Baesangmyun của Hàn Quốc sẽ sản xuất 50.000 chai rượu makgeolli mỗi tháng. "Đây sẽ là lần đầu tiên makgeolli được ủ bên ngoài Hàn Quốc" - một phát ngôn viên nói với hãng tin AFP, không tiết lộ cụ thể về giá mỗi chai rượu.

Makgeolli, từng được gọi là rượu của nông dân, ra đời từ thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên sự ưa chuộng dành cho nó giảm dần vào đầu những năm 1960, khi chính phủ cấm việc dùng gạo nấu rượu để chống lại nạn thiếu gạo.

Sự ngăn cấm khiến người dùng chuyển qua bia và các loại rượu khác. Năm 1989, nhà chức trách mới dỡ bỏ lệnh cấm nấu rượu, nhưng phải mất tới một thập kỷ, nó mới lấy lại danh tiếng và thị phần.

Trong những năm gần đây, các công thức nấu rượu được cải tiến và thông tin nói rằng đây là loại rượu bổ đã khiến doanh số bán hàng tăng mạnh. Makgeolli trở thành một loại rượu thời thượng tại các quán bar cao cấp ở Seoul.

Hoạt động sản xuất makgeolli ở Hàn Quốc tăng 48% trong năm 2009 và 58% trong năm 2010, đưa thị phần của loại rượu này lên mức 12% so với 4% hồi năm 2002. Xuất khẩu rượu makgeolli thu về 52,8 triệu USD trong năm ngoái, tăng tới 176% so với năm trước và tăng 12 lần so với năm 2008.

Makgeolli được tiêu thụ mạnh chủ yêu sở Nhật Bản, nơi chiếm tới 92% tổng lượng rượu này xuất đi, tăng 211% so với năm trước. Nhưng số liệu từ cơ quan thuế cho thấy makgeolli vẫn đứng sau soju, nhưng khoảng trống đang bị thu hẹp dần.

Sản lượng makgeolli đã tăng từ 260.640 kilolit trong năm 2009 tới 412.269 kl trong năm 2010. Để so sánh, hoạt động sản xuất soju, với lượng cồn chỉ chiếm có 20%, đã tăng từ 930.020 kl trong năm 2009 lên 931.322 kl trong năm 2010.

Phát ngôn viên Baesangmyun đánh giá việc makgeolli được ưa chuộng ở nước ngoài là do tác động có lợi cho sức khỏe của nó và việc chính phủ mở chiến dịch quảng bá ẩm thực Hàn Quốc ra toàn cầu.

Dựa trên làn sóng văn hóa pop của Hàn Quốc đã lướt qua châu Á và nhiều phần của thế giới, hồi năm 2008, Hàn Quốc mở chiến dịch để toàn cầu hóa văn hóa ẩm thực của họ. Chiến dịch này gồm việc mở các trường dạy nấu ăn Hàn Quốc ở nước ngoài, phát triển và quảng bá các công thức ẩm thực Hàn Quốc và cho các nhà hàng tại Hàn Quốc vay với lãi suất thấp nếu họ đồng ý mở cửa hàng ở nước ngoài.

Giám đốc điều hành Baesangmyun Bae Young-Ho nói rằng ông tin makgeolli có thể giúp người Mỹ tìm hiểu nhiều hơn về ẩm thực Hàn Quốc.

Makgeolli có vị hơi ngọt và chua, với lượng cồn chỉ chiếm từ 6-8 %, là món đồ uống đi kèm hoàn hảo với nhiều đồ ăn Hàn Quốc, đặc biệt là món bánh gọt truyền thống và món thịt lợn luộc cuốn với kim chi.

Giáo sư Lee Dong-Ho ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã mô tả makgeolli là một thứ đồ uống có lợi cho sức khỏe, chứa đầy vitamin, chất sơ và các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa.

Makgeolli hiện đã có mặt tại Mỹ, với lượng nhập khẩu loại rượu này đã tăng 9 lần chỉ từ năm 2008 tới năm 2011, lên mức 1,9 triệu USD. Nhưng trong khi loại rượu makgeolli xuất khẩu phải khử trùng kỹ càng, rượu makgeolli ủ tại Chicago sẽ không qua công đoạn xử lý tuyệt chùng. Và bởi men sống vẫn còn trong loại makgeolli này, nó chỉ có thể tiêu thụ ở địa phương và phải dùng trong thời gian ngắn.

Các vật liệu tươi để làm rượu như gạo và bánh men nuruk, làm từ bột mì, gạo và đại mạch lên men, sẽ được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Công ty cũng hy vọng sẽ mở các xưởng rượu tương tự ở San Francisco và Los Angeles./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục