Rút khỏi INF - Mỹ phá vỡ hệ thống kiểm soát hạt nhân toàn cầu?

Theo một số chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi INF cũng sẽ triệt tiêu triển vọng gia hạn START-3 nào và đe dọa trực tiếp đến hệ thống các thỏa thuận về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Rút khỏi INF - Mỹ phá vỡ hệ thống kiểm soát hạt nhân toàn cầu? ảnh 1Một loại tên lửa của quân đội Mỹ. (Nguồn: The Moscow Times/TTXVN)

Theo nhận định của phóng viên TTXVN tại Nga, tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/10 vừa qua trở thành "đề tài số một" trong các cuộc hội đàm giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton với các quan chức Nga diễn ra tại Moskva trong hai ngày 22-23/10.

INF được Mỹ và Liên Xô ký kết tháng 12/1987 và trở thành biểu tượng của việc gỡ thế bế tắc trong quan hệ quốc tế thời bấy giờ. Hiệp ước này cấm Liên Xô và Mỹ lưu trữ, sản xuất và chế tạo tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500km.

Bắt đầu từ năm 2011, Moskva và Washington lần lượt cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF.

Vấn đề rút khỏi INF được phía Mỹ thảo luận từ thời chính quyền Barack Obama, song lúc đó Washington đã không quyết định được bởi một phần có sự phản đối của Berlin.

Washington cho rằng việc Moskva chế tạo tên lửa có cánh mới SSC-8 trên cơ sở tên lửa hải quân 3M-54 “Calibr” là vi phạm INF.

Theo thông tin tình báo Mỹ, từ đầu năm 2017, tên SSC-8 đã được trang bị cho quân đội Nga. Trong khi đó, Moskva xác nhận có loại tên lửa trên, song phủ nhận vi phạm INF.

Theo Moskva, chính Mỹ đã vi phạm INF khi cho phép sử dụng tên lửa mục tiêu Hera, LRALT và MRT trong các chương trình huấn luyện, cũng như sử dụng thiết bị tấn công không người lái Reaper và Predator (hai loại không khác gì tên lửa tầm ngắn và tầm trung).

Ngoài ra Mỹ còn bố trí tại Ba Lan và Romania hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mk-41.


Những lý do

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho rằng Mỹ đang tìm kiếm cơ hội để phá vỡ hệ thống thỏa thuận về cân bằng lực lượng hạt nhân trên thế giới được xây dựng từ thời chiến tranh lạnh bởi giờ đây họ không cần đến "cân bằng lực lượng nữa."

Một lý do khác của việc rút khỏi INF là cú đòn tâm lý mà Mỹ muốn giáng vào các đồng minh châu Âu. Theo giới chuyên gia, việc cắt đứt thỏa thuận tên lửa Nga-Mỹ sẽ buộc châu Âu từ bỏ ý định "trông chờ" Mỹ nhận gánh toàn bộ trách nhiệm về an ninh của các đồng minh khu vực.

Chuyên gia Konstantin Blokhin của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề an ninh của Viện hàn lâm khoa học Nga chỉ ra rằng: “Giờ đây Mỹ sẽ 'núp' sau các nước châu Âu. Mỹ đã hối thúc các đồng minh NATO trong Liên minh châu Âu tăng tỷ lệ GDP chi cho quốc phòng. Khi không còn được bảo vệ về tâm lý, những nước này sẽ buộc phải tăng chi phí theo yêu cầu của Washington và "xin" mua vũ khí của Mỹ. Do đó, việc rút khỏi INF còn có thể trở thành cú hích để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Đây là cách ông Trump thực hiện lời hứa với các “ông lớn vũ khí” ở trong nước."

Đáng chú ý là nguồn tin của báo chí Mỹ từng nhiều lần tuyên bố, ngoài các vi phạm mà Mỹ cáo buộc Nga, một nguyên nhân khác khiến Mỹ rút khỏi INF là cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh. Bắc Kinh không phải là một bên trong INF, song tên lửa tầm ngắn và tầm trung chính là "lực lượng chính" trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

[Báo Mỹ: Việc rút khỏi INF sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới]

Hồi tháng 4/2017, Chỉ huy lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương Harry Harris (nay là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc) đã chỉ trích INF, cho rằng nó “hạn chế khả năng của Mỹ chống lại tên lửa có cánh và hành trình mặt đất của Trung Quốc.” Ông James Bolton cũng từng tuyên bố rằng việc ở trong INF “đặt Mỹ vào thế yếu so với Nga và đặc biệt là Trung Quốc.”

Nguy cơ sau khi Mỹ rút khỏi INF

Chuyên gia phân tích Andrey Baklitski của Trung tâm nghiên cứu quốc tế PIR cho rằng, việc Mỹ rút khỏi INF thậm chí làm đảo ngược tiến trình giải giáp hạt nhân song phương. Ông nói: “Nga sẽ buộc phải phản ứng, và không khó để hình dung rằng trong Thông điệp liên bang tới đây, ông Putin sẽ cho 'ra mắt' những loại tên lửa tầm trung mới của Nga nhằm cân bằng lực lượng với Mỹ. Và trong cơn sốt chạy đua vũ trang mới, cả Washington và Moskva cũng sẽ dễ dàng 'bỏ qua' sự biến mất của Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) - hiệp ước song phương cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ.”

Cựu lãnh đạo Bộ Tham mưu Lực lượng tên lửa chiến lược (1994-1996), Trung tướng Viktor Esin, tin rằng Nga sẽ có hành động đáp trả khi nói rằng: “Cách thức ông Trump chọn rút khỏi INF sẽ dẫn đến việc không gia hạn START-3. Mỹ sẽ không muốn bị trói tay khi phát triển vũ khí tấn công chiến lược, nhất là khi họ đã đầu tư nhiều tiền vào đó.”

Trước thềm chuyến thăm Nga của ông Bolton, nhật báo Financial Times dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết chính quyền Donald Trump đang xem xét một số kế hoạch hành động liên quan đến START-3 và theo đó phương án gia hạn là ít khả thi nhất.

Tuy nhiên, một số nguồn tin quân sự-ngoại giao ở cả Mỹ và Nga (do báo Kommersant phỏng vấn) đều tin rằng INF sẽ không bị cắt đứt ngay lập tức và hai bên sẽ tiến hành thương lượng trong thời gian tới.

Bình luận về quyết định hôm 21/10 của Tổng thống Mỹ, Konstantin Kosachev cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng gia hạn START-3. Theo ông Kosachev, giờ đây Mỹ sẽ có thể triển khai tên lửa mặt đất (vốn bị START cấm) có tầm bắn đến 5.500km gần biên giới Nga. Và Nga cũng có khả năng tương tự. So với giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng Caribe (năm 1987), vị trí của Ba Lan và các nước vùng Baltic còn gần lãnh thổ Nga hơn so với Đức và Hà Lan hàng trăm km.

Mỹ rút khỏi INF cũng sẽ “triệt tiêu bất kỳ triển vọng gia hạn START-3 nào và đe dọa trực tiếp đến hệ thống các thỏa thuận về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhân loại đứng trước nguy cơ hỗn loạn trong lĩnh vực vũ khí hủy diệt.”

Aleksander Perendzhiev, giáo sư chính trị học của Đại học Quản lý kinh tế Plekhanov thì cho rằng: “Việc Mỹ rút khỏi INF thực chất đang bẻ gẫy toàn bộ hệ thống an ninh hạt nhân cũng như tên lửa.”

Nhìn chung, đánh giá của giới chuyên gia tại Moskva coi đây là một nấc thang mới trong sự hình thành phương thức đối đầu dài hạn và có hệ thống nhằm vào Nga. Còn chuyên gia Blokhin thì kết luận rằng: “Đây không nên xem là sự chuẩn bị cho chiến tranh, song chắc chắn là yếu tố để Mỹ 'kiềm giữ Nga'”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục