Rút ngắn con đường đưa thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng

Kinh doanh thực phẩm sạch đang là tâm huyết của nhiều người, thế nhưng để thành công cũng lắm gian nan bởi giá thành cao và tâm lý người mua thì vẫn còn nhiều e ngại.
Rút ngắn con đường đưa thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng ảnh 1Thực phẩm an toàn là mô hình đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kinh doanh thực phẩm sạch đang là tâm huyết của nhiều người, thế nhưng để thành công cũng lắm gian nan bởi giá thành cao và tâm lý người mua thì vẫn còn nhiều e ngại.

Thị trường rộng mở

Theo ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trang trại Bảo Châu, mô hình nuôi lợn, gà, cá, rau an toàn đang là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp hiện nay, nhưng mô hình này khó vì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và vệ sinh thực phẩm.

Trên thực tế, để làm được mô hình này, doanh nghiệp phải đầu tư khoa học tiên tiến trong chăn nuôi và sử dụng công nghệ vi sinh đúng theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến.

Đặc biệt, phải xử lý từ môi trường, khử trùng tiêu độc, đóng gói rồi ra thị trường để sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn cho cho sức khỏe.

“Sau 6 năm sản xuất, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ sinh học để đưa ra sản phẩm an toàn, đây là sản phẩm có tiêu chuẩn cao hơn VietGap, nhưng người tiêu dùng chưa nắm rõ được hết nên cũng vất vả khi xâm nhập thị trường,” ông Thắng cho biết.

Có thể thấy, vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những đề tài nóng thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận thời gian qua. Xu hướng này lại càng có diễn biến phức tạp bởi sự “nhập nhèm” trong kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, biến hàng hết hạn, hàng ôi thiu thành thực phẩm sạch.

Do vậy, để có chuỗi giá trị "sạch từ nguồn" thì việc xây dựng thương hiệu cũng không phải là dễ ​dàng.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Ba Huân chia sẻ, Ba Huân chuyên về trứng gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Để có thực phẩm sạch, điều trước tiên phải áp dụng mô hình VietGap và có nhà máy xử lý chế biến phải theo tiêu chuẩn HACCP là hệ thống quản lý chất lượng dự trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu, do vậy với những cửa hàng của Ba Huân và đưa vào siêu thị đều đảm bảo sản phẩm phải được kiểm tra nghiêm ngặt, đúng quy trình.

“Để đảm bảo an toàn thực phẩm công ty đã đầu tư một dây chuyền khép kín từ chuỗi sản xuất, thức ăn, sản phẩm để đưa ra kênh phân phối,” ông Hùng cho biết.

Nhưng cũng không dễ cạnh tranh

Với mô hình sản phẩm sạch và an toàn, có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đang từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trước hiểm họa thực phẩm không rõ nguồn gốc đang rình rập.

Tuy nhiên, để được đón nhận và giữ được thị trường thì áp lực cạnh tranh cũng hết sức gay gắt. Chia sẻ về vấn đề này, ông Thắng cho rằng, do việc triển khai mô hình này chưa được rộng rãi nên giá các sản phẩm an toàn thường cao gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với giá cả các sản phẩm bình thường.

Bên cạnh đó, sự nhập nhằng trong định nghĩa thực phẩm an toàn cũng khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngại.

“Trong khi thực phẩm sạch phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của Việt Nam, vẫn có dư lượng thuốc trừ sâu và thịt lợn, gà vẫn có kháng sinh thì thực phẩm an toàn phải có những tiêu chí cao hơn rất nhiều, tức là hoàn toàn không sử dụng kháng sinh và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm này,” ông Thắng giải thích.

Rút ngắn con đường đưa thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng ảnh 2Thực phẩm và rau an toàn bán trong siêu thị (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập Ban điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng hơn 20 tỉnh, thành.

Bản thân các tỉnh ven Hà Nội cũng đã tích cực quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất rau, vùng chăn nuôi an toàn để cung cấp cho thị trường Thủ đô. Nhờ đó, nguồn cung nông sản thực phẩm sạch về thành phố ngày một nhiều hơn.

Tuy vậy, đại diện công ty Bảo Sơn cho biết, để phát triển các sản phẩm sạch và an toàn, rất cần bàn tay của Nhà nước trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát

thị trường, để từ đó đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính qua đó giúp nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản

phẩm an toàn.

Một vấn đề nữa là sự liên kết 4 nhà còn yếu, trong đó nhà bán lẻ (các siêu thị) còn chưa hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp để đưa hàng vào kênh phân phối vẫn

còn có tình trạng ép giá doanh nghiệp sản xuất. Lúc sản xuất được thì ép giá, nhưng lúc không có sản phẩm lại đòi hỏi mua…

Do vậy, đại diện Công ty này cho rằng, đề án phát triển thị trường nội địa của Bộ Công Thương cần được sớm triển khai, qua đó có thể nâng cao hơn nữa sự liên kết và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Để hỗ trợ các địa phương xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, liên bộ Công Thương -Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp vận động các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống phân phối.

Hiện một số siêu thị như Coop Mart, Big C, Lotte đã có hàng hóa mang nhãn hàng riêng của mình và chịu trách nhiệm hoàn toàn từ sản xuất đến lưu thông, đảm bảo an toàn, chịu sự giám sát và lấy mẫu kiểm tra định kỳ theo quy định của Nhà nước.

“Trong kế hoạch triển khai đợt cao điểm Tết Bính Thân do Bộ trưởng Cao Đức Phát ký, Vụ Thị trường trong nước-Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ phối hợp với các Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn để nhận diện kết nối, đưa các sản phẩm, hàng hóa đã được địa phương xác nhận vào hệ thống phân phối do Bộ Công Thương quản lý. Hy vọng đây là giải pháp rút ngắn hơn con đường đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng,” bà Lê Việt Nga cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục