Sắc hoa Xuân nơi biển đảo biên cương

Sắc hoa Xuân ở nơi biển đảo biên cương của Tổ quốc

Bàng vuông đã ra hoa vào những tháng cuối năm như báo tin Xuân đến với người lính, người dân nơi hải đảo.
Sắc hoa Xuân ở nơi biển đảo biên cương của Tổ quốc ảnh 1Hoa bàng vuông ở đảo Trường Sa. (Ảnh: Bùi Tường/TTXVN)

Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa Lớn, được cánh phóng viên chúng tôi gọi với tên thân mật “Chúa đảo;” Anh vừa là Chỉ huy trưởng vừa là Chủ tịch thị trấn Đảo Trường Sa Lớn.

Những ngày công tác trên đảo, “Chúa đảo” thường kể với chúng tôi về những loài cây sống được, sống nghĩa tình với cát và người trên quần đảo Trường Sa nói chung và trên Đảo Trường Sa Lớn nói riêng.

Mỗi cây một tên, một hình dáng, có một dạng đơm hoa kết trái theo tháng ngày trong năm nhưng đều chung ở một điểm chịu đựng được sự khắc nghiệt của nắng, gió giữa trùng khơi biển cả; là lá phổi của đảo; là biểu trưng của người đảo Trường Sa.

Trước hôm rời Hà Nội đi Trường Sa, đồng nghiệp chúc tôi không bị sóng to gió lớn làm gục ngã và ngày về nhớ đem theo những quả bàng vuông Trường Sa. Trước chúng tôi, đã có rất nhiều người đến với Trường Sa; họ mang được quả bàng vuông về làm quà cùng một số quà kỷ niệm Trường Sa; tuy nhiên không phải đã có nhiều người được tận mắt ngồi trên đảo Trường Sa ngắm hoa bàng vuông nở.

Trên đảo Trường Sa có hai mùa mưa và nắng; hoa bàng vuông nở ở cả hai mùa. Hoa nở vào tối. Khi màn đêm về, đảo lặng yên, chỉ còn tiếng sóng biển vọng về là lúc hoa bàng vuông khoe sắc.

Tháng 12, tháng 1- khi mùa mưa sắp qua đi, Xuân mới đang gõ cửa mỗi gia đình Việt cũng là lúc hoa bàng vuông nở rộ. Lần đầu được tận mắt nhìn, được ngắm hoa bàng vuông nở, ai cũng phải sững sờ trước vẻ đẹp tinh khôi của một loài hoa trên đảo. Mỗi bông hoa như một chùm pháo hoa được thu nhỏ.

Kích thước hoa chỉ to như một bông sen nở. Hàng trăm cánh hoa nhỏ li ti có mầu trắng ở phần dưới, tím dần ở phía trên với nhụy vàng được nở bung lên từ một đài hoa với năm cánh hoa đều đặn. Bàng vuông ra hoa vào những tháng cuối năm như báo tin Xuân đến với người lính, người dân nơi hải đảo. Giống như hoa quỳnh trên đất liền, hoa bàng vuông sau một đêm nở, sáng ngày gặp gió biển lại rụng như có ai trong đêm bí mật đem sắc xuân về trên đảo.

Người lính đảo Trường Sa yêu hoa bàng vuông, coi cây bàng vuông là một phần của cuộc sống trên đảo. Chiến sĩ ta đã tìm được cách chiết cành nhân giống cây bàng vuông; chăm chút nâng niu cây con mới tạo được, gửi về làm quà cho đất liền thân yêu.

Đảo Trường Sa Lớn cũng như nhiều đảo nổi khác trên quần đảo Trường Sa, có những cây bàng vuông có tuổi trên dăm bảy chục năm. Thân cây vững chãi với những cành lá xum xuê xanh mát. Lính đảo Trường Sa còn dùng lá bàng vuông gói bánh chưng mỗi khi Tết đến Xuân về.

Cùng với cây bàng vuông, bức tranh mầu xanh trên đảo Trường Sa còn được ghép bởi những gam mầu của những cây tra, cây phong ba, cây bão táp, cây mù u.

Cây tra trên đảo được trồng tự bao giờ cũng không nhớ, chỉ biết rằng bây giờ cây đã phủ mầu xanh và bóng mát cho phần lớn diện tích trên đảo. Cây cao và có thế như cây bằng lăng; lá cây to bằng là mít, có hình dáng tròn và dầy. Mùa nắng rát trên đảo, dưới tán cây tra người lính đảo dễ chịu hơn sau những giờ tập luyện. Lá cây tra non có mầu tím hồng, vị chát được lính đảo bổ sung vào những bữa liên hoan có tác dụng cân bằng tiêu hóa.

Cây phong ba khác với những loại cây khác trên đảo là thân cây cao, mang trên mình nhiều cành, gọn gàng, không rườm rà; lá cây nhỏ xíu và dầy, luôn mang mầu trắng đục như mới thức dậy sau một đêm sương phủ. Cây phong ba không có mùa lá rụng nên lính đảo khỏi vất vả quét dọn vệ sinh.

Cây bão táp, cây mù u thân, cành mảnh mai, lúc nào cũng mang đầy lá xanh lại nhận cho mình nhiệm vụ sống nơi mép nước - nơi đầy nắng, gió và nước biển mặn chát. Quan sát mấy chiến sỹ hải quân trẻ khéo léo cắt tỉa những chiếc lá trên cành cây mù u để tạo một cành quất đón năm mới lại thấy thêm một sự tìm tòi, trong cái khó ló cái khôn của người lính đảo. Quả quất được cắt từ những miếng xốp, bôi mầu vàng; người lính đem treo lên cây quất được tạo từ một cành cây mù u, trong ánh điện trông chẳng khác xa cây quất thật bao nhiêu.

Cây Trường Sa, đó là tên gọi mà chúng tôi đặt cho những cây đặc trưng trên đảo Trường Sa. Bàng vuông, tra, phong ba, bão táp, mù u là những cây đã không gục ngã trước khắc nghiệt của thời tiết. Sóng to, gió lớn, nước mặn, sương muối mà cây vẫn sống. Nhìn những thân cây ai cũng dễ nhận thấy để tồn tại, những cây Trường Sa đã phải gồng mình trước bao lần biển giận hờn, nổi nóng. Một chút so sánh xin đừng cho là khiên cưỡng, chúng tôi thấy có những điều rất giống nhau giữa cây Trường Sa với người lính trên đảo Trường Sa.

Một năm mới nữa lại về, thêm một năm người lính đảo đón Tết xa nhà giữa bao la biển cả. Đêm Giao thừa, người lính đảo lại thức canh trời, canh biển để Tổ quốc không bị bất ngờ trước kẻ địch. Hương hoa bàng vuông và mầu xanh của cây Trường Sa giúp người lính đảo vơi đi nỗi nhớ nhà, chắc tay súng vì sự bình yên của chủ quyền biển đảo Tổ quốc thân yêu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục