Sắc màu tương phản ở 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á

Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội ngày 16/12, Nhật Bản đã phải đón nhận các số liệu không vui và có lẽ ông Shinzo Abe - lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ và hiện có nhiều triển vọng trở lại ghế Thủ tướng - sẽ còn phải đau đầu tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế cất cánh trở lại.

Trái lại, các số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố gần đây lại cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang dần phục hồi sau khi kinh tế quý Ba chỉ tăng trưởng 7,4%, ghi dấu quý tăng trưởng chậm lại thứ bảy liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ quý 1/2009.
Trong khi Nhật Bản sẽ phải tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế cất cánh trở lại thì kinh tế Trung Quốc đang dần thoát khỏi tình trạng giảm tốc thời gian qua.

Nguy cơ suy thoái cận kề ở xứ hoa Anh đào

Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội ngày 16/12, Nhật Bản đã phải đón nhận các số liệu không vui và có lẽ ông Shinzo Abe - lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ và hiện có nhiều triển vọng trở lại ghế Thủ tướng - sẽ còn phải đau đầu tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế cất cánh trở lại.

Ngày 10/12, Nhật Bản xác nhận kinh tế nước này đã tăng trưởng âm trong quý Ba năm nay, làm dấy lên lo ngại rơi vào tình trạng suy thoái. Số liệu chính thức công bố không khác số liệu đưa ra hồi tháng 11, theo đó GDP Nhật Bản trong quý từ tháng Bảy đến tháng Chín đã giảm 0,9% so với quý trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các số liệu trong công bố của Văn phòng Nội các nước này ngày 10/12 cũng cho thấy tăng trưởng trong quý trước đó vẫn uể oải, càng củng cố viễn cảnh suy thoái.

Sự hỗn loạn tài chính ở châu Âu, đồng yen tăng giá mạnh ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu đồng thời quan hệ ngoại giao căng thẳng với đối tác thương mại lớn là Trung Quốc đã tác động mạnh đến kinh tế Nhật Bản, đẩy lùi những hy vọng nền kinh tế này đã củng cố được đà phục hồi sau thảm họa động đất và sóng thần năm ngoái.

Thặng dư tài khoản vãng lai trong tháng 10 giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 376,9 tỷ yen (4,56 tỷ USD). Tài khoản vãng lai là thước đo bao quát nhất đối với thương mại của Nhật Bản với phần còn lại của thế giới, bao gồm xuất khẩu, du lịch và nguồn thu ở nước ngoài. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp cũng như phải tăng mạnh nhập khẩu nhiên liệu do thiếu hụt nguồn năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm ngoái.

Niềm tin của người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng xấu đi vào thời điểm triển vọng kinh tế đầy bất ổn, nhất là khi các doanh nghiệp hạn chế tăng lương và thị trường lao động bị thắt chặt hơn. Cụ thể là chỉ số niềm tin của các hộ gia đình có từ hai người trở lên đã giảm xuống mức thấp trong 11 tháng qua, còn 39,4 điểm vào tháng 11, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Con số dưới 50 cho thấy tâm lý bi quan đã vượt lên tâm lý lạc quan.

Đánh giá thực trạng kinh tế Nhật Bản hiện nay, bà Evelyne Dourille Feer từ Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng kinh tế quốc tế của Pháp, cho rằng nền kinh tế khởi sắc trở lại trong quý Một với tốc độ tăng trưởng 5,7% nhờ tiêu thụ nội địa và chi tiêu công cộng tăng nhanh.

Sang quý Hai tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại nhưng đến quý Ba thì giảm mạnh mà hai nguyên nhân chính là thị trường châu Âu và Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng của Nhật Bản (hai lĩnh vực chịu tác động lớn hơn cả là ô tô và điện tử); đầu tư của các doanh nghiệp sụt giảm và chi tiêu của các hộ gia đình chững lại. Tới quý Tư may mắn lắm tốc độ tăng trưởng sẽ là số 0, nếu bị giảm xuống số âm, về mặt kỹ thuật, Nhật Bản rơi vào suy thoái.

Nhìn chung, tăng trưởng cả năm của Nhật sẽ vào khoảng 1,6% - con số không quá gây thất vọng trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay và dân số ngày càng già hóa. Trong năm tới, tình hình sẽ không sáng sủa hơn là bao, trừ những tháng cuối 2013. Bởi kể từ năm 2014 thuế tiêu dùng sẽ được điều chỉnh tăng lên 8% thay vì 5% như hiện nay. Do vậy người tiêu dùng sẽ tranh thủ mua sắm vào những tháng cuối năm 2013. GDP cho cả năm dự báo tăng 0,6-1,5%.

Tóm lại, đà tăng trưởng của Nhật Bản vẫn còn yếu kém và kinh tế nước này lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, vào khả năng Eurozone giải quyết khủng hoảng nợ, vào sự vững chắc của kinh tế Mỹ và đương nhiên là vào tiến triển trong quan hệ Nhật-Trung vốn đang hết sức u ám.

Tín hiệu tăng tốc từ Trung Quốc

Trái lại, các số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố gần đây lại cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang dần phục hồi sau khi kinh tế quý Ba chỉ tăng trưởng 7,4%, ghi dấu quý tăng trưởng chậm lại thứ bảy liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ quý 1/2009.

Trước hết là các số liệu từ ngành công nghiệp. Chính phủ Trung Quốc cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11, dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần thoát khỏi tình trạng giảm tốc thời gian qua. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) đạt mức 50,6, tăng từ con số 50,2 của tháng 10 và 49,8 của tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 4, khi PMI được ghi nhận ở mức 53,3. Trong khi đó, kết quả điều tra sơ bộ của HSBC cho thấy PMI chạm mức cao 13 tháng là 50,5 trong tháng 11, so với 49,5 trong tháng 10 và là lần đầu tiên ở mức trên 50 trong nhiều tháng qua.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), giá trị sản lượng công nghiệp tháng 11 đã tăng hai chữ số (10,1%) lần đầu tiên kể từ tháng Ba, báo hiệu xu hướng đi lên khá ổn định sau khi đạt mức tăng 9,6% trong tháng Mười; 9,2% trong tháng Chín và 8,9% (mức tăng thấp nhất trong 3 năm) hồi tháng Tám.

Tính chung trong 11 tháng đầu năm giá trị sản lượng công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011, củng cố cho xu hướng kinh tế đang bắt đầu tăng tốc trở lại nhờ những biện pháp kích thích tăng trưởng cũng như chính sách nới lỏng của Chính phủ.

Để vực dậy nền kinh tế có phần "uể oải" bởi tác động từ sự suy thoái toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng trong năm nay, trong đó có hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản, nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, phê chuẩn các dự án cơ sở hạ tầng tổng giá trị hơn 1.000 tỷ Nhân dân tệ.

Kế đó là sự khởi sắc trong đầu tư vào tài sản cố định. Trong 11 tháng đầu năm vốn đổ vào lĩnh vực này đã tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 32.620 tỷ Nhân dân tệ (5.180 tỷ USD), trong đó đầu tư vào công nghiệp chủ chốt tăng 30,5% lên 815,3 tỷ Nhân dân tệ; đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ tăng 21,1% lên 14.300 tỷ Nhân dân tệ; đầu tư vào phát triển bất động sản tăng 16,7% lên 6.480 tỷ Nhân dân tệ.

Doanh thu bán lẻ trong giai đoạn này cũng tăng 14,2% lên 18.680 tỷ Nhân dân tệ. Riêng trong tháng 11 doanh thu bán lẻ - một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng - đạt 1.850 tỷ Nhân dân tệ, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát, trong tháng 11 đã tăng lên 2% từ mức 1,7% hồi tháng trước.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới lại trở nên sa sút trong tháng 11 ( chỉ đạt 19,6 tỷ USD, giảm 38,6%) bởi xuất khẩu đã tăng chậm lại 2,9%, trong khi nhập khẩu chững lại, báo hiệu khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước.

Trong quý 4/2012, sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế vẫn được kỳ vọng, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế tiềm tàng của Trung Quốc vẫn khoảng 8%. Hơn nữa, tình hình tài chính của Trung Quốc khá vững chắc khi tỷ lệ nợ công tính trên GDP vẫn dưới 60%. Thêm vào đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn có khả năng hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cơ bản, hiện ở mức 20% và 6%/năm, mà không sợ gây ra lạm phát.

Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, ông Trương Bình cho biết mặc dù đã tăng trưởng chậm lại, song GDP của Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng trên 7,5% trong năm 2012. Ông lưu ý rằng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, Chính phủ Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những khó khăn và thách thức trong dài hạn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, Chu Tiểu Xuyên cũng cho biết PBoC đã chuẩn bị những biện pháp cần thiết để đối phó với những nguy cơ từ bên ngoài.

Còn "Sách Xanh kinh tế: phân tích và dự báo tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2013" của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự báo tốc độ tăng GDP của Trung Quốc năm 2013 đạt khoảng 8,2% và chỉ số CPI dự kiến dao động trong khoảng 3%./.

Hoàng Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục