Khơi dậy tình yêu văn học

Sách đề tài truyền thống, kinh điển hấp dẫn trẻ dịp hè

Thị trường sách hè dành cho thiếu nhi năm nay đánh dấu sự nở rộ của các tác phẩm thuộc đủ thể loại, với cách trình bày sinh động.
Nghe chị Hoàng Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) “thao thao bất tuyệt” về những bộ sách mới mua cho cô con gái đang học tiểu học, chúng tôi vẫn chưa thể hình dung hết được sự phong phú của thị trường sách hè dành cho thiếu nhi năm nay.

Người mẹ trẻ hào hứng dẫn chúng tôi đến cửa hàng sách, chỉ tay về phía những ấn phẩm dành cho trẻ nhỏ thuộc đủ các thể loại (từ truyện tranh, sách dạy kỹ năng sống cho đến sách khoa học khám phá…), được trình bày sinh động, bắt mắt.

“Đến hiện đại từ truyền thống”

Thị trường sách hè dành cho thiếu nhi năm nay đánh dấu sự nở rộ của các tác phẩm khai thác đề tài giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Những ấn phẩm thuộc mảng đề tài này được các nhà xuất bản giới thiệu đến độc giả dưới nhiều hình thức như: Truyện tranh, sách văn học, sách ảnh,…

[Nhà văn: Cái đích hướng tới phải là Chân-Thiện-Mỹ!]

Hè năm nay, độc giả nhí có cơ hội sưu tập “Tủ sách Vàng” với những cuốn sách mang tính giáo dục truyền thống được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích như: “Búp sen xanh” (Sơn Tùng),  “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Nguyễn Huy Tưởng),…

Nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông, Giáo dục và Giải trí Phan Thị cho ra mắt thêm một số tập tiếp theo trong bộ truyện “Bác Hồ sống mãi”  với tên gọi: “Đêm giao thừa đáng nhớ,” “Họa sỹ vẽ Bác Hồ”…  

Độc giả được tiếp cận với 5 tác phẩm mới trong bộ “Truyện tranh lịch sử Việt Nam” kể về 5 nhân vật lịch sử (Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Lê Hoàn, Lê Lai và Ỷ Lan). Với cách kể chuyện súc tích kết hợp với tranh minh họa sống động, các tác phẩm giúp bạn đọc nhỏ tuổi cảm nhận lịch sử một cách thân thiết, gần gũi hơn.

Cùng với đó, một loạt ấn phẩm khai thác các đề tài truyền thống, văn hóa dân gian như “Lược sử nước Việt bằng tranh,” “Tranh truyện dân gian Việt Nam” tiếp tục được tái bản.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: “Bằng việc đưa ra thị trường những ấn phẩm này, những người làm sách hướng tới mục đích thúc đẩy mong muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc của các em thiếu nhi; góp phần mang lại một “làn gió mới,” tìm kiếm cho truyện tranh Việt Nam một bản sắc, hướng đi riêng.”

Đang chọn lựa sách hè cho con tại nhà sách Tiền Phong (Nguyễn Thái Học, Hà Nội), chị Hồng Hạnh (Hai Bà Trưng) cho biết: “Giữa lúc sách vở được xuất bản ồ ạt thế này, không đủ thời gian để đọc hết trước khi cho các cháu đọc, tôi thường ưu tiên chọn những cuốn viết về các danh nhân, các truyền thống lịch sử trước.”

Đặc biệt, thị trường sách dành cho thiếu nhi năm nay ghi nhận sự góp mặt của nhiều loại sách về đề tài biển đảo được viết dành riêng cho lứa tuổi này như: “Trong giông gió Trường Sa” tập hợp những bài ký sự của các nhà văn nổi tiếng về Trường Sa, “Tổ quốc nơi đầu sóng” hội tụ hơn 200 bức ảnh và các tư liệu về lịch sử, địa lý, văn hóa, thiên nhiên, cảnh vật, con người ở các vùng biển đảo của Tổ quốc…

“Áo mới” cho câu chuyện cũ

Hè này, bạn đọc nhí có dịp “hội ngộ” nhiều tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng thế giới (như “Ngụ ngôn Aesop,” “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer,” “Alice ở xứ sở thần tiên”...) dưới một hình thức mới là truyện tranh.

Bên cạnh việc tôn trọng nguyên tác, các tác giả đã đưa vào thêm những phụ lục mở rộng nhằm tăng cường tính tương tác với độc giả như: “Góc cảm nhận”, “Góc kiến thức”, “Góc thử tài.” Các chuyên mục này bao gồm những lời phân tích, câu hỏi dẫn dắt các em tiếp cận văn học, cảm nhận và lĩnh hội tri thức.

“Những tác phẩm này có tác dụng lớn trong việc khơi dậy tình yêu văn học cho thiếu nhi. Nó mang đến một hình thức thưởng thức văn học gần gũi hơn, giúp các em tiếp xúc  trước với những tác phẩm này trước khi làm quen với nguyên tác trong chương trình học chính khóa,” tiến sỹ Nguyễn Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ.

Cùng với đó, phiên bản tiếng Việt của những bộ truyện dựa theo những tác phẩm điện ảnh ăn khách của nước ngoài như “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" cũng mang đến một làn gió mới, thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều độc giả.

Ấn tượng lớn nhất với mỗi độc giả khi đọc "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" có lẽ là tình cảm gia đình ấm áp, tình bạn bè trong sáng. Thiên tiểu thuyết cũng ngợi ca những con người lạc quan, yêu đời, tràn đầy nghị lực sống dù sống trong điều kiện khó khăn gian khổ khi khai phá vùng đất mới.

Bên cạnh những áng văn tuyệt đẹp về thiên nhiên bao la trên vùng thảo nguyên hoang sơ của nước Mỹ cuối thế kỉ XIX, "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" còn đề cập đến nhiều vấn đề của nước Mỹ đương thời: nạn phân biệt chủng tộc, nội chiến Nam-Bắc, tự do tín ngưỡng, mặt trái của nền tư bản, vấn đề tự do báo chí…

Trao đổi về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Thế Hưng (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều đơn vị làm sách thường chọn xuất bản những tác phẩm khai thác đề tài giáo dục truyền thống hoặc tái bản những tác phẩm kinh điển; bởi tên tuổi của chúng dễ được người mua, đặc biệt là phụ huynh, chấp nhận hơn là các tác phẩm xa lạ. Dẫu vậy, cũng cần thấy rõ rằng, những người làm sách đã có những nỗ lực nhằm làm mới những câu chuyện cũ để thu hút sự chú ý của công chúng."

Cùng với đó, nhiều bộ sách khoa học khám phá dành cho độc giả nhí như "Khoa học trong mắt em," "Lịch sử kỳ quái của khoa học," "Dokéo - Bách khoa thư thế hệ mới"... được giới thiệu đến bạn đọc nhỏ tuổi trong dịp này. Nội dung các cuốn sách bao quát nhiều chủ đề từ các vấn đề khoa học, kỹ thuật, thiên văn học đến thể thao, nghệ thuật với cách lý giải hóm hỉnh, phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục